Giáo dục - Nghề nghiệp
Hà Tĩnh: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động
02:38 PM 13/01/2023
Năm 2022, tiếp tục bám sát định hướng phát triển KT-XH của tỉnh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động chuyển hướng mạnh đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động.
Cơ sở GDNN chủ động gắn kết với doanh nghiệp (DN), thị trường lao động thông qua việc thực hiện ký kết hợp tác đào tạo. Nhờ đó, năm qua, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh mới 20.880 người, đạt 116% so với kế hoạch đề ra năm 2022 và 110,3% so với năm 2021. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 22 cơ sở GDNN, gồm: 19 cơ sở GDNN công lập, 3 cơ sở GDNN ngoài công lập, đáp ứng được yêu cầu về đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực kinh tế của tỉnh.
Công tác đào tạo nghề được tỉnh đặc biệt chú trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Đẩy mạnh các hoạt động kết nối thị trường lao động, năm 2022, toàn tỉnh đã GQVL cho 22.995 người, đạt 102,2% kế hoạch; trong đó, GQVL trong nước cho 11.478 người, xuất khẩu lao động 11.517 người. Bên cạnh đó, giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho gần 9.000 người (với tổng số tiền trợ cấp hơn 145 tỷ đồng) qua cổng dịch vụ công quốc gia.
Hà Tĩnh cũng là một trong 17 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, được Bộ LĐ-TB&XH ghi nhận, biểu dương. Kết quả, trong năm qua, các cấp, ngành đã hoàn thành hỗ trợ 77.329 NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng kinh phí 61,432 tỷ đồng; 1.314 NLĐ được hỗ trợ tiền thuê nhà theo chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ với số tiền gần 1 tỷ đồng.
Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp then chốt nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương. Thực hiện nhiệm vụ này, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo các cơ sở GDNN tập trung triển khai có hiệu quả với nhiều giải pháp đổi mới công tác đào tạo nghề một cách bài bản, chuyên nghiệp và linh hoạt hơn để phù hợp với những yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, nhất là những ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Xây dựng danh mục nghề trọng điểm có kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, đặt hàng cho các cơ sở GDNN, phối hợp và cung ứng cho các DN theo nhu cầu.
Đối với nhiệm vụ GQVL, Sở LĐ-TB&XH thường xuyên phối hợp các địa phương, doanh nghiệp rà soát, thống kê và kịp thời thông tin về thị trường lao động, cung - cầu lao động, nhu cầu việc làm của NLĐ, đảm bảo cung ứng lao động theo yêu cầu của DN. Trong năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức được 87 phiên giao dịch việc làm, thu hút trên 20.000 lượt người tham gia và đã có trên 5.532 lượt lao động được giới thiệu việc làm, trong đó có 1.345 người được các DN tuyển dụng.
Ngoài việc tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, các cấp, ngành tập trung thực hiện sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, linh hoạt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động các cơ sở GDNN; tăng cường tự chủ của cơ sở GDNN công lập; khuyến khích đầu tư phát triển các cơ sở ngoài công lập theo loại hình xã hội hóa.
Sở Lao động - TBXH đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và cơ sở GDNN triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 15/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nghề, GQVL cho NLĐ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh; Nghị quyết số 70/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, GQVL trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025; lồng ghép thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về “Giảm nghèo bền vững”, “Xây dựng NTM”, “Phát triển vùng đồng bào dân tốc thiểu số” giai đoạn 2021-2025 và chương trình xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM đến năm 2025.

Bước sang năm 2023, Sở sẽ tham mưu xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, chi phí đào tạo, giá dịch vụ đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng, tạo cơ sở để tiến tới 100% cơ sở GDNN tự chủ. Đồng thời, tiếp tục tham mưu đề xuất các cấp, ngành tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở GDNN; quan tâm bố trí kinh phí để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH trước mắt cũng như lâu dài.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực; nhân rộng mô hình liên kết phối hợp, đào tạo, GQVL cho NLĐ giữa DN và các cơ sở GDNN; tiếp tục triển khai chương trình hợp tác đào tạo điểm giữa cơ sở đào tạo với Tập đoàn Vingroup, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh…

Triển khai thực hiện kịp thời chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định số 176/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện điều tra, cập nhật thông tin cung - cầu lao động năm 2023.

Đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động thông qua các ngày hội việc làm, tư vấn học nghề, xuất khẩu lao động tại xã, phường, thị trấn; tăng tần suất các phiên giao dịch việc làm tại TP Hà Tĩnh, Khu kinh tế Vũng Áng và các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thành phố, thị xã. Tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp nhằm đáp ứng nhu cầu; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS theo hướng nghề nghiệp./.

Thu Hương