Thời sự
Hà Nội: Vốn vay giải quyết việc làm thu hút trên 18.000 lao động
02:56 PM 01/11/2017
(LĐXH) - Theo Thống kê của NHCSXH Hà Nội, tính đến hết tháng 8/2016, tổng dư nợ của thành phố Hà Nội cho vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm thuộc các chương trình tín dụng đạt trên 5.400 tỷ đồng với trên 295.000 khách hàng đang vay vốn, đạt 99,8% kế hoạch được giao năm 2016. Trong tổng số 13 chương trình tín dụng chính sách đến nay có 16 ngàn lượt khách hàng vay vốn GQVL, góp phần thu hút trên 18.000 lao động...
Nhờ nguồn vốn vay người dân đã chủ động tạo việc làm và thu nhập ổn định
Có thể nói, việc thực hiện có hiệu quả các chương trình cho vay vốn GQVL ở Hà Nội không những góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế của địa phương mà còn giúp cho hàng trăm lượt lao động nhàn rỗi có việc làm và hỗ trợ nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng lao động. Từ sử dụng tốt nguồn vốn, nhiều mô hình từng bước mở rộng về quy mô, chất lượng có hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình đó không chỉ bảo đảm thu nhập, ổn định đời sống hộ vay vốn mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Hiệu quả từ chương trình cho vay GQVL được thực tế chứng minh, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao. Đặc biệt, trong thời gian qua, nhiều địa phương đã tuyên truyền chương trình vay vốn sâu rộng đến nhân dân, để người dân biết và hiểu quy trình vay vốn. Các ngành chức năng nắm rõ thực trạng, nhu cầu việc làm, trên cơ sở đó lập kế hoạch giải quyết việc làm cho người lao động. Thực hiện tốt công tác tư vấn việc làm, giúp người lao động tìm được công việc phù hợp với khả năng. Tạo điều kiện cho người lao động được vay vốn và sử dụng đồng vốn hiệu quả trong giải quyết việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Chăn nuôi gà từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm
Tiếp đó, Ban Chỉ đạo thành phố thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm từ vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm hằng năm nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động, trong đó có ưu tiên, quan tâm tạo điều kiện cho vay vốn các đối tượng chính sách, nhất là lao động vùng tái định cư, lao động khu vực giải phóng mặt bằng, vùng xa, vùng khó khăn… góp phần giúp người dân có thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững.

NHB