Thời sự
Hà Nội triển khai nhiều biện pháp giảm lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc
11:37 AM 29/11/2017
(LĐXH) - Đối với tình hình lao động EPS của Hà Nội cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, theo báo cáo của một số cơ quan chức năng tính đến ngày 30/7/2017, thành phố Hà Nội có 990 lao động đang làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc; Tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn trong năm 2016 là 35,5% và trong 8 tháng đầu năm 2017 là 29,76 %...
Hà Nội sẽ có những "biện pháp mạnh" trong công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động lao động đi làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn
Hà Nội đang tiến hành triển khai nhiều biện pháp giảm tình trạng cư trú bất hợp pháp, trước tiên là Nhóm biện pháp tuyên truyền, vận động người lao động hết hạn hợp đồng lao động về nước đúng thời hạn, người lao động đang cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước. Bao gồm công văn đề nghị UBND các huyện tổ chức tuyên truyền, vận động … Phối hợp với Cục QLLĐNN, Trung tâm Lao động ngoài nước và UBND các huyện tổ chức tuyên truyền, vận động trực tiếp tới thân nhân, gia đình người;  Tổ chức tuyên truyền, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng (như Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, website, báo chí địa phương);  Gửi ấn phẩm tuyên truyền gồm thư của UBND các huyện, kèm tờ rơi tới gia đình người lao động sắp hết hạn HĐLĐ về nước, NLĐ đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc để vận động họ tự nguyện về nước; Tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xã/phường/thị trấn.
Tiếp đến là kiên quyết xử phạt theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đặc biệt là nhóm biện pháp hỗ trợ: Hỗ trợ giới thiệu việc làm (chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức các Hội chợ, phiên giao dịch đặc biệt để hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động về nước), đào tạo nghề, hướng nghiệp và nâng cao trình độ ngoại ngữ...
Có thể nói, việc người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc không những gặp rất nhiều rủi ro với cá nhân người lao động đó, mà còn gây ảnh hưởng tới cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc của nhiều người lao động khác và vấn đề này còn gây ảnh hưởng xấu đến việc hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trên nhiều phương diện, trong đó có hợp tác về lao động.
Bên cạnh đó, việc người lao động về nước đúng quy định khi hết hạn hợp đồng lao động sẽ có nhiều điều lợi đó là, tránh được các rủi ro cho cá nhân người lao động, nhất là các rủi ro về sức khỏe, tính mạng, quỵt tiền lương. Tạo cơ hội cho chính bản thân người lao động đó được quay trở lại Hàn Quốc làm việc nếu có nguyện vọng và tạo cơ hội những lao động khác. Đặc biệt, là tạo được hình ảnh tốt của lao động Việt Nam đối với thị trường lao động Hàn Quốc nói riêng và các thị trường xuất khẩu lao động khác nói chung.
Nâng cao ý thức của người lao động trong việc thực hiện hợp đồng ký kết đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc
Thông qua những biện pháp này hy vọng, bản thân người lao động, thân nhân của người lao động và chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội của Hà Nội cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động người lao động của Hà Nội đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS thực hiện nghiêm túc hợp đồng lao động, về nước đúng quy định khi hết hạn hợp đồng lao động. Qua đó góp phần giữ vững thị trường lao động Hàn Quốc, mang lại nhiều lợi ích cho người lao động. Như vậy, để giải quyết có hiệu quả tình trạng lao động VN bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, bên cạnh công tác thông tin, tuyên truyền về những chính sách ưu đãi mới đối với lao động về nước đúng hạn, những chế tài xử phạt đối với người vi phạm thì bên cạnh đó là nỗ lực triển khai các biện pháp xử phạt cả người lao động và chủ sử dụng lao động trái phép của cả 2 phía Việt Nam và Hàn Quốc.
NHB