Xã hội
Hà Nội: Trên 50,4 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động
05:57 AM 16/07/2020
(LĐXH) – Sáng 15/7/2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ – TBXH) thành phố Hà Nội tổ chức Sơ kết công tác Lao động – người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2020. Tham dự, có đại diện lãnh đạo Sở, Phòng LĐ – TBXH các huyện, thị xã cùng đông đảo phóng viên báo chí trên địa bàn thành phố.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Thái, Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐ – TBXH thành phố Hà Nội cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của thành phố, sự hướng dẫn kịp thời của Bộ LĐ – TBXH; sự đồng thuận, nhất trí cao trong công tác điều hành của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Sở; sự phối hợp của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội và sự chung tay nỗ lực của các quận, huyện, thị xã, đơn vị, toàn Ngành đã triển khai toàn diện các nhiệm vụ được giao.

PGĐ phụ trách Hoàng Thành Thái phát biểu khai mạc Hội nghị

Trong bối cảnh cả đất nước nói chung và thành phố nói riêng tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19, các nhiệm vụ chuyên môn của Ngành luôn được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, các đối tượng xã hội được vui xuân đón Tết Nguyên đán trong không khí vui tươi, tiết kiệm, an toàn; cuộc vận động phong trào Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ được các các cấp chính quyền và người dân hưởng ứng sâu rộng; một số chỉ tiêu về cai nghiện ma túy đã đạt khá cao (cai nghiện bắt buộc đạt 81,5%, cai nghiện tại gia đình cộng đồng đạt 92%).

Đồng chí Nguyễn Quốc Khánh báo cáo tóm tắt sơ kết công tác lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 gây ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyển sinh, đào tạo nghề và tạo việc làm mới cho người lao động trên địa bàn thành phố, dẫn đến số lao động được giải quyết việc làm trong kỳ giảm, thất nghiệp gia tăng so với cùng kỳ năm 2019; công tác tuyển sinh, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không đạt được chỉ tiêu như mong muốn; sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhiều đơn vị, doanh nghiệp không đủ khả năng thực hiện đóng nộp BHXH cho người lao động dẫn đến số nợ BHXH trên địa bàn thành phố tăng cao.

Tình hình dịch bệnh kéo dài cũng đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, trong đó đối tượng chịu tác động trực tiếp là các doanh nghiệp và nhân dân lao động nói chung, đặc biệt là người lao động tự do, người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội. Đến nay, thành phố cũng đã hoàn thành 100% việc chi trả cho các đối tượng người có công; đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí 474,2 tỷ đồng. Trong đó, có 192 người thuộc diện thụ hưởng đã sau khi nhận đủ chế độ hỗ đã tự nguyện trả lại kinh phí hỗ trợ để nhường lại cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Đồng chí Nguyễn Hồng Dân, Phó GĐ Sở phát biểu tại Hội nghị

Đặc biệt, nhằm hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo Quyết định 1955/QĐ-UBND đợt 2, ngay khi UBND thành phố ban hành Quyết định 1955/QĐ-UBND ngày 12/5/2020, Sở LĐ – TBXH đã tổ chức Hội nghị thống nhất biện pháp thực hiện công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 với đại diện Phòng LĐ – TBXH của 30 quận, huyện, thị xã; các quận, huyện, thị xã đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ được giao và định kỳ thứ 4 hàng tuần (hoặc theo yêu cầu đột xuất) báo cáo về Sở để tổng hợp, kịp thời báo cáo UBND Thành phố và Bộ LĐ – TBXH.

Để kịp thời hướng dẫn, giải đáp các kiến nghị, đề xuất của tổ chức và công dân, Sở LĐ – TBXH đã phối hợp Bưu điện Hà Nội thiết lập Tổng đài đường dây nóng tự động gồm 05 nhánh trả lời; đồng thời thành lập Tổ công tác tiếp nhận, giải đáp kiến nghị, phản ánh của người dân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là kênh thông tin hiệu quả, góp phần để chính sách của nhà nước được triển khai khẩn trương, đúng quy định. Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo và thành lập Ban Chỉ đạo, tổ thẩm định cấp huyện, hội đồng xét duyệt cấp xã để tiếp nhận, xét duyệt, thẩm định hồ sơ giải quyết chế độ cho các đối tượng theo quy định.

Tính đến hết ngày 13/7/2020, toàn thành phố đã tiến hành phê duyệt hỗ trợ cho 49.859 lượt người với tổng kinh phí trên 50,44 tỷ đồng; phê duyệt hỗ trợ cho 1.982 hộ với kinh phí 1.982 triệu đồng và 32 doanh nghiệp có người lao động ký kết hợp đồng.

Ban lãnh đạo Sở chủ trì hội nghị

Theo đó, đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên: Đã ra quyết định hỗ trợ cho 687 lao động tại 32 doanh nghiệp; mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng; tổng kinh phí hỗ trợ trên 1,27 tỷ đồng (gồm 668 người nhận hỗ trợ tháng 4; 19 người nhận hỗ trợ tháng 4,5). Trong đó, đã tổ chức chi trả cho 535 lao động tại 21 doanh nghiệp với 964,8 triệu đồng; số còn lại phải chi trả là 151 lao động với kinh phí 304,2 triệu đồng; số thừa không phải trả là 01 lao động với kinh phí 1,8 triệu đồng do hết thời hạn tạm hoãn HĐLĐ nhưng người lao động không đến làm việc, DN không liên lạc được với người lao động.

Đối với người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, các quận, huyện đang tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ. Hiện nay, đã ra quyết định hỗ trợ cho 77 người lao động với kinh phí 81 triệu đồng đồng (gồm 73 người nhận hỗ trợ tháng 4; 04 người nhận hỗ trợ tháng 4,5). Trong đó, đã thực hiện chi trả 64 người lao động với kinh phí 68 triệu đồng, còn phải chi trả 13 người lao động với kinh phí 13 triệu đồng).

Các địa biểu tham dự Hội nghị

Đối với nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, các quận, huyện trên địa bàn Thành phố đã ra quyết định hỗ trợ cho trên 49.000 lượt người, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, thời gian hỗ trợ 1 tháng với kinh phí trên 49.095 triệu đồng (trong đó: đã tổ chức chi trả cho 35.139 người với kinh phí 35.139 triệu đồng; còn phải chi trả theo quyết định đã phê duyệt là 13.954 người với kinh phí 13.954 triệu đồng; số thừa không phải trả là 02 người với kinh phí 02 triệu đồng, do người lao động tự nguyện không nhận).

Đối với hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01/4/2020: Các quận, huyện đã thẩm định và ra quyết định hỗ trợ cho 1.982 hộ kinh doanh, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, thời gian hỗ trợ 1 tháng; với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.982 triệu đồng (trong đó: đã chi trả hỗ trợ cho 1.446 hộ với kinh phí 1.446 triệu đồng; còn phải chi trả theo quyết định đã phê duyệt cho 536 hộ với kinh phí 536 triệu đồng).

Đối với người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động: Các địa phương vẫn đang tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ. Hiện chưa ra quyết định hỗ trợ cho doanh nghiệp nào.

Tiếp nhận, giải quyết chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 163 doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động với tổng số lao động là 13.854 người tương ứng kinh phí trên 49,8 tỷ đồng. Riêng địa phương chưa quyết định chi trả cho các nhóm đối tượng là huyện Gia Lâm.

Ngoài chính sách của Trung ương và thành phố, nhiều quận, huyện đã huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ cho cho các giáo viên ngoài công lập, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để ổn định cuộc sống. Điển hình như huyện Sóc Sơn đã trích nguồn vận động quỹ phòng chống dịch Covid-19 để hỗ trợ 432 giáo viên ngoài công lập, mỗi người 500.000đ/tháng x 3 tháng; tổng kinh phí là 648 triệu đồng. Huyện Đông Anh hỗ trợ 34,1 tấn gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ giáo viên khó khăn trên địa bàn…

Hà Giang