Lao động
Hà Nội: Thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm trong năm 2020
02:26 PM 17/02/2020
(LĐXH) – Thành phố Hà Nội là nơi tập trung đông dân cư và thu hút nhiều lao động với trên 7,5 triệu người. Xác định công tác giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương phối hợp triển khai đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để hoàn thành tốt các chỉ tiêu về giải quyết việc làm.
Năm 2019, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 192.000/154.00 lao động, đạt 124,6% kế hoạch, tăng 0,96% so với năm 2018. Trong đó, có 28.300 lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội; 31.000 hộ vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng kinh phí trên 1.188 tỷ đồng; đưa 3.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng). Tỷ lệ thất nghiệp chung của Hà Nội năm 2019 là 1,7% (trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 2,22%, tỷ lệ thất nghiệp vùng nông thôn là 1,16%), tăng 0,96% so với năm 2018 (trong đó, có 28.300 lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cho 31.000 hộ vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố với số tiền khoảng 1.188 tỷ đồng; 21.100 lao động được tuyển dụng qua các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức; đưa 3.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng).
Năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã
tuyển sinh và đào tạo cho 205.000 lượt người
Năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã tuyển sinh và đào tạo cho 205.000/205.000 người, đạt 100% kế hoạch (trong đó: trình độ cao đẳng chiếm 14%, trung cấp chiếm 19%; sơ cấp dưới 3 tháng là 67% với gần 15.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề). Tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật tính đến cuối năm 2019 đạt 67,51% (trong đó, khu vực thành thị đạt 79,6%; khu vực nông thôn đạt 54,77%).
Trong năm 2020, thành phố phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 156 nghìn lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4 %; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70, 2 %. Theo đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 31/8/2016 của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”. Cụ thể, ngày 9/1/2020, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp trọng tâm sau:
Một là, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tạo việc làm. Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các Chương trình, Đề án lĩnh vực công nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư các dự án vào các khu công nghiệp. Thúc đẩy phát triển làng nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2016 - 2020; phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm du lịch với các doanh nghiệp, các ngành, địa phương trong nước và các quốc gia có tiềm năng hợp tác phát triển du lịch.
Hai là, thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của các cơ sở dạy nghề. Phát triển chương trình, giáo dục theo hướng chuẩn hóa theo quy định và tiếp cận dần với trình độ tiên tiến khu vực và quốc tế. Phối hợp, gắn kết doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình biên soạn chương trình, giáo trình. Đẩy mạnh thực hiện đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp. Phát triển mô hình gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Triển khai hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc Thành phố theo hướng giảm đầu mối, nâng cao chất lượng đào tạo, hiệu quả hoạt động. Tăng cường cao sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác đào tạo tại mỗi đơn vị. Sát nhập, giải thể các đơn vị hoạt động kém hiệu quả.
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách pháp luật về lao động việc làm. Cung cấp đầy đủ và phổ biến rộng rãi thông tin, số liệu về thị trường lao động dưới nhiều hình thức đa dạng như: cổng thông tin điện tử về việc làm, bản tin, website, các phương tiện thông tin đại chúng... Đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các Sàn giao dịch việc làm vệ tinh. Ứng dụng công nghệ thông tin tăng hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành hệ thống Sàn giao dịch việc làm, phát triển Website “vieclamhanoi.net” thành Cổng thông tin điện tử về lao động việc làm thành phố. Đẩy mạnh triển khai và đa dạng hóa các dịch vụ cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp; Cập nhật và nắm bắt đầy đủ tình hình biến động về lao động tại các doanh nghiệp để đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời. Đẩy mạnh công tác dự báo thị trường lao động ngắn hạn và dài hạn; Xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường lao động; mạng lưới thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động từ Thành phố tới địa phương thông qua các hoạt động của hệ thống Sàn giao dịch việc làm; hệ thống báo cáo thị trường lao động như: Bản tin cập nhật thị trường lao động hàng quý và Báo cáo thường niên về xu hướng Việc làm - Dạy nghề, các ngành nghề phát triển thu hút nguồn nhân lực tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhằm hỗ trợ tối đa cho các đối tượng tham gia vào thị trường lao động; Tiếp tục thực hiện thu thập thông tin biến động Cung - Cầu lao động trên địa bàn.
Năm 2020, thành phố phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 156 nghìn lao động
Bốn là, đẩy mạnh khai thác nhu cầu lao động trong các lĩnh vực và các nghề mới, đòi hỏi trình độ cao cả về tay nghề và ngoại ngữ, các nghề trong lĩnh vực y tế, dịch vụ... triển khai các biện pháp ngăn ngừa lao động bỏ hợp đồng, lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc bất hợp pháp. Đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền phổ biến chính sách về xuất khẩu lao động đến tận xã, phường, thị trấn; thông tin thường xuyên về chính sách mới và tình hình lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng... Cùng với đó, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tuyển chọn người lao động trên địa bàn Thành phố đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; khảo sát nhu cầu xuất khẩu lao động, nhu cầu việc làm của người lao động sau khi hoàn thành hợp đồng lao động trở về nước để tổ chức giới thiệu việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng của người lao động; rà soát số lao động đang thực hiện hợp đồng làm việc ở nước ngoài, số lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng thời hạn; giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và các nước.
Hỗ trợ cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Học nghề, ngoại ngữ, hiểu biết phong tục tập quán, pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận lao động; chi phí làm thủ tục hộ chiếu, thị thực, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; đào tạo lao động trình độ cao về kỹ năng nghề, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và nghiêm khắc xử lý vi phạm của các doanh nghiệp trong hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; nắm tình hình người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp hoặc bỏ trốn ở lại để có các biện pháp xử lý phù hợp, giữ vững các thị trường xuất khẩu lao động.
Năm là, nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách Thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội. Đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước đến nhân dân; hướng dẫn cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích và quản lý, giám sát thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát kịp thời phát hiện, ngăn ngừa những tiêu cực có nguy cơ xảy ra, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại hạn chế phát sinh. Đảm bảo quy trình chặt chẽ trong các khâu thẩm định, xét duyệt việc sử dụng nguồn vốn, hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ nợ quá hạn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.
Nam Khánh