Văn hóa - Thể thao
Hà Nội tăng mức phí tham quan chùa Hương
10:44 AM 07/12/2016
(LĐXH)- Ngày 6/12, HĐND T.P Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng một số loại phí, lệ phí trên địa bàn thuộc thẩm quyền HĐND Thành phố.
Nghị quyết có nội dung điều chỉnh phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa. Trong đó, riêng đối với di tích Chùa Hương, tăng mức thu phí từ 49.000 đ lên 78.000 đ đối với vé thường, từ 24.000 đ lên 38.000 đ đối với vé ưu đãi.
Theo tờ trình của UBND T.P Hà Nội, lý do tăng bởi mức thu phí Chùa Hương đang thực hiện đã được áp dụng từ năm 2012) đến nay, mức lương tối thiểu cơ bản từ 830.000 đồng đã tăng lên 1.210.000 đồng, các chi phí khác như điện, nước, văn phòng phẩm, nhân công, vật tư nguyên liệu cũng tăng đáng kể theo chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số lạm phát hàng năm. Mức thu phí Chùa Hương hiện nay là 49.000đ/lượt đối với vé thường, 24.000đ/lượt đối với vé ưu đãi (dành cho các đối tượng được giảm 50% phí tham quan theo quy định), được thu 1 lần cho cả 3 tuyến Hương Tích, Long Vân và Tuyết Sơn (mức thu phí trung bình 1 tuyến là 16.333 đ đối với vé thường, 8.000 đ đối với vé ưu đãi).
HĐND T.P Hà Nội thông qua Nghị quyết về việc quy định
mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng một số loại phí, lệ phí
So với mức thu phí của các di tích có quy mô lớn, giá trị văn hóa lịch sử quan trọng trên địa bàn thành phố do HĐND Thành phố quyết định (như Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, di tích Đền Ngọc Sơn, Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám), mức phí này tương đối thấp, chưa phù hợp với quy mô và giá trị của di tích.
Hiện nay, UBND huyện Mỹ Đức đã đầu tư xây dựng các công trình tu bổ, tôn tạo di tích, với mức thu phí đang thực hiện không đủ bủ đắp các chi phí cần thiết, ngân sách Nhà nước đang phải bù thêm để có kinh phí thực hiện. Căn cứ thực tế trên địa bàn huyện và khu di tích Hương Sơn như: hệ thống giao thông bến bãi chưa đáp ứng được nhu cầu, hệ thống nhà vệ sinh, xử lý rác thải xuống cấp, cần được tu bổ, tôn tạo, sửa chữa; các công trình cần xây dựng mới như nhà điều hành, hệ thống ki ốt bán hàng; tu bổ, tôn tạo, sửa chữa, nạo vét các công trình đã xuống cấp, do đó cần tăng mức thu phí đế có kinh phí quy hoạch tổng thể khu di tích, sửa chữa, cải tạo, làm mới các công trình theo nhu cầu.
UBND huyện Mỹ Đức đã dự kiến 13 dự án đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo các công trình để phục vụ di tích như: Quy hoạch tổng thế khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn, Cải tạo nâng cấp nhà vệ sinh công cộng, Cải tạo tuyến đường bộ Long Vân (3km) - Tuyết Sơn (2km), Mở rộng bến xe số 2. Làm mới bến xe Hang Vò, sửa chữa, tu tạo các công trình đang sử dụng... thực hiện trong vòng 5 năm. Bên cạnh đó, chi phí cho công tác tổ chức lễ hội và thu phí cũng ngày một cao, trong khi mức phí được để lại phục vụ cho công tác quản lý lễ hội hàng năm không tăng nhiều, trung bình từ 22 đến 23 tỷ đồng (do lượng khách về Chùa Hương tương đối ổn định).

UBND huyện Mỹ Đức đã đề xuất tăng mức để lại cho đơn vị thu phí để phục vụ công tác thu và tổ chức lễ hội lên 32 tỷ/năm. Mức thu phí là 78.000 đ đối với vé thường, 38.000 đ đối với vé ưu đãi (trung bình là 26.000 đ và 12.700 đ 1 tuyến) tương đối phù hợp với mặt bằng chung các di tích trên địa bàn Thành phố Hà Nội có quy mô và giá trị văn hóa lịch sử cao. Mức thu này vẫn tương đối thấp so với các di tích và thắng cảnh có cùng quy mô và tính chất tại các địa phương khác như Tam Cốc - Bích Động (120.000đ vé người lớn, 60.000đ vé trẻ em), Tràng An (150.000đ vé người lớn, 80.000đ vé trẻ em).

Chí Tâm