Lao động
Hà Nội tăng cường giải pháp thực hiện nghiêm các quy định chương trình EPS
04:18 PM 02/11/2017
(LĐXH)- Thị trường lao động Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động tiềm năng, với điều kiện làm việc tốt, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận không nhỏ người lao động, trong đó có người lao động của thủ đô Hà Nội.

Thời gian vừa qua, do tình trạng lao động Việt Nam khi hết thời hạn hợp đồng không về nước ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, dẫn đến việc Hàn Quốc tạm ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam từ tháng 8/2012 đến tháng 5/2016. Sau nhiều nỗ lực triển khai các giải pháp giải quyết tình trạng này của các cơ quan chức năng Việt Nam và Hàn Quốc, Bản thỏa thuận bình thường (MOU) về việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS đã được tái ký ngày 17/5/2016. Bản thỏa thuận này đã mở ra cơ hội cho nhiều người lao động có nguyện vọng làm việc tại Hàn Quốc.

Các nhà tuyển dụng trực tiếp phỏng vấn người lao động

Tuy nhiên, theo thống kê của phía Hàn Quốc, tính đến ngày 30/06/2017 vẫn còn hơn 15.478 người lao động Việt Nam đang làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc trong tổng số 38.943 người lao động theo chương trình EPS đang làm việc tại Hàn Quốc, chiếm tỷ lệ 39,8%; tỷ lệ người lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước đúng thời hạn trong 8 tháng đầu năm 2017 là 40%. Đây là những con số cao so với các quốc gia phái cử khác và gây ảnh hưởng tiêu cực đến chương trình EPS.

Ông Trần Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội cho biết, ngay thời điểm Hà Nội nằm trong danh sách 10 tỉnh, thành có số lượng người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã nhanh chóng phối hợp với Cục Lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, UBND các quận, huyện triển khai đồng thời nhiều giải pháp để giảm nhanh tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Cán bộ chuyên trách đã chủ động xuống một số huyện có người lao động thuộc đối tượng này để vận động, tuyên truyền, thuyết phục. Đồng thời, huy động cả các hội, đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Nông dân, Đoàn thanh niên... cùng tham gia tuyên truyền về chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó tuyên truyền, vận động, yêu cầu ký cam kết tới từng gia đình có người thân làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn. UBND xã, phường yêu cầu gia đình người lao động ký cam kết về việc vận động con em họ về nước đúng thời hạn. Danh sách các lao động ở Hàn Quốc cư trú bất hợp pháp niêm yết công khai tại UBND, nhà văn hóa xã, phường, thị trấn để tạo dư luận xã hội phê phán hành vi, vi phạm của người thuộc diện này. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố khẳng định, địa phương nào chưa giảm được số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì “lệnh” tạm dừng tuyển lao động đi nước ngoài vẫn còn duy trì.

Thuyết phục các gia đình vận động người thân đi xuất khẩu lao động về nước đúng hạn (Ảnh minh họa)

Thành phố cũng tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1465/QĐ-TTg ngày 21/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS phải thực hiện ký quỹ 100 triệu đồng trước khi xuất cảnh; Đảm bảo 100% người lao động đều phải ký quỹ trước khi xuất cảnh; Miễn xử phạt vi phạm hành chính và cho phép đăng ký dự thi tiếng Hàn đối với người lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước trong khoảng thời gian từ ngày 01/5/2016 đến hết ngày 31/12/2016; Hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước tại các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Cùng với đó, để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động, tạo niềm tin cho người lao động khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cũng đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp đưa người lao động đi XKLĐ có trách nhiệm phối hợp với công ty môi giới tại các nước sở tại kiểm tra tình hình thực tế và giải quyết dứt điểm các kiến nghị, đề xuất của người lao động theo đúng quy định pháp luật.

Trần Huyền