Xã hội
Hà Nội quan tâm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng
10:12 AM 27/03/2018
(LĐXH)- Thời gian qua, nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng và cộng đồng xã hội, thành phố Hà Nội đã giải quyết dứt điểm hàng nghìn hồ sơ tồn đọng, mang lại niềm vui, niềm hy vọng cho nhiều gia đình, góp phần thực hiện tốt chính sách quan tâm, ưu đãi người có công.
Hà Nội là địa phương có số lượng người có công lớn nhất trong cả nước - gần 800.000 người (chiếm tỷ lệ gần 10% tổng số người có công của cả nước), trong đó có hơn 6.500 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 45.000 thương binh, bệnh binh, gần 80.000 liệt sĩ… Quan tâm toàn diện đến người có công, trong những năm gần đây, cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã xác nhận hơn 18,4 nghìn trường hợp thuộc danh sách người có công.
Mặc dù đã rất cố gắng, song trên địa bàn TP Hà Nội, đâu đó vẫn còn hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Nguyên nhân là trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt, nhiều cơ quan quản lý thay đổi, người thân của những người đã hy sinh, người bị thương không còn lưu giữ được hồ sơ liên quan, bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến không giữ được giấy tờ gốc... nên không đủ căn cứ để xác nhận là người có công.
Chăm sóc sức khỏe cho người có công tại Hà Nội
Nhằm giải quyết triệt để hồ sơ tồn đọng, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 12-7-2017 về giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng. Kế hoạch này là sự cụ thể hóa nội dung Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20-3-2017 của Bộ LĐ-TB&XH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, nhưng có sự linh hoạt và mở rộng hơn bởi hướng tới tất cả những hồ sơ đủ điều kiện chứ không chỉ có hồ sơ tồn đọng ở cấp tỉnh, thành phố theo tinh thần Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH.
Thực hiện Kế hoạch số 170/KH-UBND, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xác nhận người có công cấp thành phố, cấp quận, huyện; kiện toàn Hội đồng xác nhận người có công cấp xã và tiến hành điều tra, rà soát, tiếp nhận hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng. Sau quá trình xác minh thông tin và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, Ban Chỉ đạo xác nhận người có công TP Hà Nội thống nhất đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, công nhận liệt sĩ đối với 17 trường hợp.
Danh sách đề nghị công nhận liệt sĩ được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, trước hết là ý kiến của các bậc lão thành cách mạng, những người tham gia hoạt động kháng chiến, người cao tuổi và được niêm yết công khai, đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những trường hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công đều có được sự nhất trí hoàn toàn của các đại biểu tham dự trong tất cả các cuộc họp và đến nay, không có bất kỳ ý kiến nào khác. Qua đó, có thể khẳng định, việc xác minh thông tin hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ diện tồn đọng được các cấp, các ngành chức năng của TP Hà Nội tiến hành một cách thận trọng, đúng đối tượng, dân chủ, công khai, minh bạch. Ngoài hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, những trường hợp có thông tin, căn cứ đề nghị xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh tiếp tục được TP Hà Nội quan tâm thực hiện.
Trong quá trình tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công thời gian qua, có những trường hợp các cơ quan chức năng phải thu thập thông tin từ hồ sơ trong nhà tù của địch trước đây, hoặc từ những tài liệu, sổ sách, những quyển nhật ký và mọi giấy tờ có liên quan. Trong thực tế, đó là một quy trình cần sự thận trọng, ý thức trách nhiệm cao của cán bộ xử lý việc này bởi có hồ sơ còn những điểm chưa rõ hoặc thiếu cơ sở vững chắc để xác minh, làm rõ...
Hy vọng, với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng từ thành phố tới cơ sở, trong tương lai gần, TP Hà Nội sẽ không còn hồ sơ tồn đọng và tất cả những ai có công với cách mạng sẽ được ghi nhận xứng đáng.

Hà Hiền