Lao động
Hà Nội phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,5%
02:14 PM 24/02/2021
(LĐXH)- Năm 2021, thành phố Hà Nội phấn đấu giải quyết việc làm cho 160.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống dưới 4%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,5%.
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Qua đó, tạo nhiều việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người lao động, góp phần giảm nghèo; khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống; tạo cơ hội cho nhóm lao động yếu thế có cơ hội vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, tự tin vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Theo báo cáo từ Sở Lao động – TBXH Hà Nội, chỉ tính trong năm 2020, thành phố đã giải quyết việc làm cho 180.578 lao động (đạt 116% kế hoạch). Trong đó, tạo việc làm cho 42.100 lao động thông qua vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác với số tiền là 1.850 tỷ đồng, trên 2.570 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Người lao động đến tìm kiếm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội
Hà Nội cũng đã giải quyết việc làm cho 7.400 lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg; giải quyết việc làm cho 13.930 lao động thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm. Tự tạo việc làm và tư vấn, giới thiệu việc làm là 114.577 lao động. Đến nay, thông qua việc triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm còn 3,22%.
Trong năm 2020, Hà Nội đã tổ chức 176 phiên giao dịch việc làm, trong đó, số đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh 6.595 lượt; số chỉ tiêu tuyển dụng 82.112 chỉ tiêu; số lao động được tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động 28.119 lượt; số lao động tham gia kết nối, phỏng vấn 36.970 lượt; số lao động được tuyến dụng 13.930 người.
Theo báo cáo của Sở Lao động – TBXH Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, hệ thống cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố có bước phát triển mạnh và đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động với 362 đơn vị, trong đó: công lập có 122 đơn vị (chiểm 33,7%) và ngoài công lập có 240 đơn vị (chiếm 66,3%) tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đơn vị có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tuyển sinh được 215.382 người, đạt 102,6%. Trong đó, trình độ cao đẳng 23.762 người, trình độ trung cấp 26.477 người, trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 165.143 người. Tính riêng 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc thành phố, các trường đã tuyển sinh được 25.252 người, gồm: 6.632 trình độ cao đẳng, 8.483 trung cấp, 10.137 trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng.
Đến hết năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố Hà Nội đạt 70,25%. Công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp đã được triển khai tích cực, đã có hơn 800 doanh nghiệp họp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn về việc tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. 100% các đơn vị thực hiện đào tạo gắn với doanh nghiệp và hầu hết học sinh ra trường có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt tỷ lệ 90%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử với mức lương khởi điểm là 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội hướng dẫn sinh viên đăng ký tuyển sinh
Bước sang năm 2021, thành phố Hà Nội phấn đấu giải quyết việc làm cho 160.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống dưới 4%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,5%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp chủ yếu như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm; tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động.
Cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách Thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức tập huấn các văn bản hướng dẫn Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động...
Thành phố cũng sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động của cổng thông tin dịch vụ việc làm Việt Nam (Esip) trên địa bàn thành phố Hà Nội để hỗ trợ giao dịch việc làm trực tuyến giữa doanh nghiệp và người lao động; tạo lập cơ sở dữ liệu về thị trường lao động thống nhất trên toàn quốc; làm cơ sở cho việc xây dựng các chính sách điều tiết thị trường lao động của Chính phủ.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai và đa dạng hóa các dịch vụ cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Cập nhật và nắm bắt đầy đủ tình hình biến động về lao động tại các doanh nghiệp để đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời, gắn kết hoạt động thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp với giao dịch việc làm nhằm nhanh chóng đưa người lao động quay trở lại thị trường lao động.

Chí Tâm