Lao động
Hà Nội phấn đấu giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống dưới 4%
09:16 AM 17/02/2018
(LĐXH)- Trong năm 2018, Hà nội đã đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 152.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống dưới 4%, tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo đạt 63,5%.
Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2018, Hà Nội đã xác định việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo mở việc làm là một trong những giải pháp cơ bản, mang tính bền vững. Đồng thời, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp có nhiều đổi mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người lao động. Đặc biệt là có cơ chế, thu hút đầu tư trên địa bàn hợp lý, tăng cường công tác liên kết, giới thiệu việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm… Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm và các điểm giao dịch việc làm vệ tinh.
Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tìm việc làm
Nhìn lại công tác giải quyết việc làm trên địa bàn Hà Nội trong năm 2017, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động – TBXH cho biết: Toàn Thành phố giải quyết việc làm cho 152.000 lao động, đạt 100% kế hoạch; giải quyết cho 3.500 lượt hộ gia đình vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 1.171 tỷ đồng, tạo việc làm cho 41.000 lao động; các đơn vị hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã đưa 3.100 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ước tỉ lệ thất nghiệp chung của Hà Nội năm 2017 là 2,44%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị là 3,12%, đạt mục tiêu Thành phố đặt ra.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn chủ động tham mưu và phối hợp triển khai nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động, chú trọng đẩy mạnh chất lượng hoạt động Trung tâm Dịch vụ việc làm, xây dựng hệ thống sàn giao dịch vệ tinh ở các quận, huyện nhằm kết nối giữa các sàn giao dịch, cung cấp về thông tin cung - cầu thị trường lao động; triển khai thông tin về thị trường lao động trên Website của Sở và các đơn vị tuyển dụng, tạo điều kiện kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, Sở Lao động – TBXH đã tham mưu cho UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động năm 2017; Kế hoạch thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020; Kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg trên địa bàn năm 2017; Kế hoạch thí điểm đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp của các trường công lập; Kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg năm 2017; Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên dạy nghề các trường công lập thành phố Hà Nội năm 2017; Quyết định phê duyệt chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp cho lao động nông thôn giai đoạn 2017 - 2020; Quyết định hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quyết định phê duyệt định mức chi phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2017 - 2020.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đã tập trung triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động. Đặc biệt, sau khi Trung tâm Dịch vụ việc làm hợp nhất đã triển khai tích cực, quyết liệt các chỉ tiêu nhiệm vụ. Kết quả, trong năm, Trung tâm tổ chức 213 phiên giao dịch việc làm, trong đó có nhiều phiên chuyên đề, thu hút 5.716 lượt doanh nghiệp, đơn vị tham gia, gần 80.000 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh, trên 22.000 lao động được tuyển dụng; khai trương và đưa vào hoạt động 2 sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại huyện Đông Anh, Ba Vì. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực này cũng có nhiều tiến bộ, việc giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp ngày càng hiệu quả, được các tổ chức, cá nhân đánh giá cao. Toàn thành phố đã tiếp nhận gần 50.000 hồ sơ đề nghị giải quyết trợ cấp thất nghiệp, ra quyết định trợ cấp thất nghiệp cho 47.822 người với số tiền 773,9 tỷ đồng, quyết định hỗ trợ học nghề cho gần 2.000 người với số tiền 6,2 tỷ đồng.
Đối với công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm bền vững, học nghề để tạo việc làm tại chỗ, đặc biệt là dạy nghề cho lao động nông thôn, Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ lao động nông thôn sau học nghề tối thiểu đạt 80% có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Cụ thể, nếu lựa chọn học ngành nông nghiệp thì thu được năng suất, giá bán sản phẩm cao hơn, nếu học nghề phi nông nghiệp thì có nguồn thu nhập ổn định và có thêm kinh tế hỗ trợ rất tốt cho gia đình, ngoài nghề nông nghiệp đang làm (tỷ lệ có việc làm sau đào tạo nghề đạt trên 80%, nhiều nơi đạt tỷ lệ 100%).

Chí Tâm