Xã hội
Hà Nội: Nỗ lực giảm nghèo ở huyện ngoại thành
03:25 PM 20/02/2019
Hà Nội đã triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ các hộ nghèo khu vực ngoại thành có thể tự ổn định cuộc sống của gia đình. Đáng chú ý, ngoài thu nhập, các hộ nghèo còn được quan tâm cả về đời sống, văn hóa, giáo dục, y tế… để từ đó thoát nghèo bền vững. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố chỉ còn 1,16%.
Hoàn thành kế hoạch trước 2 năm
Gia đình anh Lỗ Văn Quân, thôn Tòng Thái, xã Tòng Bạt (huyện Ba Vì) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do con nhỏ thường xuyên đau ốm, công việc, thu nhập của gia đình không ổn định... Năm 2018, gia đình anh Quân được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng và được Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện Ba Vì cho vay 25 triệu đồng để sửa nhà. Anh Quân cho biết, với số tiền này, gia đình anh đã thay kèo, lợp lại mái, lát nền nhà… để bảo đảm chất lượng chỗ ở. Đồng thời, ngoài 4 sào ruộng, vợ chồng anh nuôi 2 con bò sinh sản và buôn bán nhỏ. "Tôi còn mua được 1 máy tuốt lúa vừa phục vụ gia đình kết hợp làm thuê trong vùng... Nhờ vậy, cuộc sống gia đình dần ổn định và đã được xét ra khỏi diện hộ nghèo của xã Tòng Bạt" - anh Quân chia sẻ.
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phúc Thọ hỗ trợ người dân vay vốn để sửa chữa nhà và phát triển kinh tế
Chủ tịch UBND xã Tòng Bạt Dương Đức Lâm cho hay, xã có hơn 2.100 hộ dân. Đầu năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 3,2%, thì đến nay đã giảm xuống chỉ còn 1,99% nhờ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Tính trên địa bàn cả huyện Ba Vì, theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, số hộ nghèo đã giảm từ 4,8% năm 2017, xuống còn 3,33% cuối năm 2018. “So với các huyện ở khu vực ngoại thành, số hộ nghèo trên địa bàn huyện Ba Vì luôn chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là ở 7 xã miền núi. Vì vậy, kết quả giảm nghèo của huyện Ba Vì vừa đạt là thành công đáng ghi nhận, cho thấy rõ hiệu quả các chương trình hỗ trợ giảm nghèo của thành phố” - ông Đỗ Quang Trung cho biết.
Không chỉ ở Ba Vì, trong năm 2018, khu vực ngoại thành Hà Nội đã có thêm hàng nghìn hộ thoát nghèo. Đáng kể như huyện Đan Phượng, đầu năm 2018 có 2,62% hộ nghèo, thì đến nay giảm còn 1,53%. Nếu không tính hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, thì tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện này chỉ còn 0,66%...
Theo Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành, hộ nghèo đa chiều được xác định thông qua các tiêu chí: Thu nhập bình quân người/tháng và mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin. Tại khu vực nông thôn Hà Nội, hộ nghèo là hộ có thu nhập từ 1,1 triệu đồng/người/tháng trở xuống hoặc hơn 1,1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng nhưng có từ 3 chỉ số thiếu hụt trở lên. Qua rà soát, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố chỉ còn 1,16%, trong đó tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 1,81%. So với mục tiêu đề ra đến năm 2020 (giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 1,2%), thành phố đã hoàn thành kế hoạch trước 2 năm.
Hỗ trợ thoát nghèo bền vững
Những năm qua, TP Hà Nội luôn được đánh giá là một trong những địa phương làm rất tốt công tác xóa hộ nghèo, bằng nhiều chương trình, chính sách thiết thực, hiệu quả. Trong đó, 2 nhóm giải pháp trọng tâm là: Hỗ trợ để những hộ nghèo có khả năng vươn lên thoát nghèo và thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội đối với nhóm người không có khả năng tự thoát nghèo.
Trong 3 năm qua, ngân sách thành phố đã bố trí 6.380 tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo, tập trung vào các nội dung: Ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội cho hộ nghèo vay vốn (2.015 tỷ đồng); hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo về bảo hiểm y tế, tiền điện, học phí, trợ cấp cho người già yếu, ốm đau không có khả năng lao động... (hơn 3.515 tỷ đồng); đầu tư xây dựng hạ tầng cho các xã vùng dân tộc, miền núi (850 tỷ đồng)... Ngoài ra, thành phố còn phát động phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, lồng ghép với các nội dung thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" tạo khí thế sôi nổi thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững...
Một hộ nghèo ở xã Sơn Đà (huyện Ba Vì) được tặng bò sinh sản để phát triển kinh tế
Ngoài chính sách chung của thành phố, nhiều huyện đã vận dụng cách làm sáng tạo, phù hợp tình hình địa phương để hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả. Tại huyện Hoài Đức, chính quyền địa phương đã vận động gia đình, họ hàng, làng xóm và doanh nghiệp chung tay hỗ trợ hộ nghèo ngày công và tiền sửa chữa nhà ở; vận động doanh nghiệp nhận đỡ đầu học sinh nghèo, tặng sổ tiết kiệm cho người nghèo cô đơn... Những hỗ trợ cụ thể đó đã giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo và góp phần vào thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện và Thủ đô.
Chia sẻ cách làm của địa phương, Chủ tịch UBND xã Tòng Bạt Dương Đức Lâm cũng cho biết: “Chúng tôi đã rà soát từng hộ nghèo, phân loại nguyên nhân, từ đó phân công các hội, đoàn thể địa phương hỗ trợ từng hộ gia đình. Đối với hộ nghèo có khó khăn về nhà ở thì hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà; hộ khó khăn do không có nghề thì hỗ trợ học nghề; hộ không có phương tiện sản xuất thì hỗ trợ phương tiện…”.
Với bước đà đạt được trong năm 2018, TP Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu kết thúc năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 1% (nếu trừ hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách bảo trợ xã hội thì còn dưới 0,3%); phấn đấu đến cuối năm 2020 (nếu trừ hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách bảo trợ xã hội), thành phố không còn hộ nghèo.
Theo Báo Hà Nội mới
 
Từ khóa: Giảm nghèo Hà NộI