Lao động
Hà Nội lên phương án hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh có nhu cầu về quê
09:24 PM 13/09/2021
(LĐXH)- Thông tin từ Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, Sở vừa gửi công văn hỏa tốc tới UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị thống kê người lao động, người dân ngoại tỉnh có nguyện vọng trở về quê.
Được biết, để đảm bảo an sinh xã hội và an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội, UBND thành phố giao Sở LĐTB&XH tổng hợp nhu cầu trở về trở về quê của lao động ngoại tỉnh.
Do vậy, Sở LĐTB&XH yêu cầu các quận, huyện, thị xã chỉ đạo rà soát thống kê, tổng hợp danh sách người dân, người lao động ngoại tỉnh có nguyện vọng trở về quê. Văn bản tổng hợp gửi về trước ngày 14/9, để báo cáo UBND thành phố trước ngày 15/9.
Trên cơ sở đó, Sở LĐTB&XH sẽ phối hợp với Công an thành phố xây dựng phương án hỗ trợ khi đủ điều kiện, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.
Mặt trận Tổ quốc xã Bình Minh, huyện Thanh Oai hỗ trợ các công nhân xây dựng ngoại tỉnh đang ở lại giãn cách trên địa bàn (ảnh: Nhân dân)
Theo thống kê sơ bộ trước đó, Hà Nội có khoảng 106.000 lao động tự do ngoại tỉnh cư trú không cố định. Để nhóm đối tượng này vượt qua khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội, các sở, ngành, địa phương đã triển khai hỗ trợ bằng nhiều hình thức linh hoạt như vận động các chủ hộ có nhà cho thuê miễn, giảm tiền thuê nhà; huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ túi an sinh cho lao động tự do ngoại tỉnh.
Theo thông tin từ Sở LĐTB&XH Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, đến cuối ngày 12/9, các đơn vị bảo trợ xã hội trên địa bàn đã tiếp nhận 89 đối tượng lang thang từ cộng đồng, trong đó có nhiều người là lao động tự do bị kẹt lại Hà Nội. Những đối tượng lao động lang thang được các trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Cũng theo Sở LĐTB&XH TP Hà Nội, tính đến 12h ngày 13/9, TP Hà Nội đã quyết định hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn do dịch bệnh với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng.
Cụ thể, ngân sách Nhà nước thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-HĐND hỗ trợ là gần 812 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hóa để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là gần 210 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND thành phố, đến nay, các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho hơn 1,6 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với kinh phí hơn 524 tỷ đồng (trong đó, đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 1,5 triệu người lao động, người sử dụng lao động với kinh phí hơn 470 tỷ đồng).
Thực hiện chính sách đặc thù cho các đối tượng quy định tại Nghị quyết 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND thành phố, đến nay, các địa phương đã rà soát và ra quyết định hỗ trợ cho 284.826 người, hộ kinh doanh với kinh phí phê duyệt là hơn 287 tỷ đồng (đã tổ chức chi trả cho 284.135 đối tượng với kinh phí hơn 286 tỷ đồng).
Trong đó, đã có 282.654 người thuộc 3 nhóm đối tượng: Người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt với số tiền hơn 282 tỷ đồng (trong đó, đã thực hiện chi trả cho 282.393 người, hộ gia đình với số tiền hơn 282 tỷ đồng)./.
Hồng Anh