Lao động
Hà Nội khó xử phạt lao động trái phép tại Hàn Quốc theo Nghị định 95
02:04 PM 06/11/2017
(LĐXH)- Trong khi có địa phương áp dụng biện pháp mạnh như xử phạt, thì Thạch Thất vẫn dùng biện pháp tuyên truyền là chính.
Anh Phí Văn Tha (sinh năm 1982), ở thôn 9, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất là một trong số những lao động hết hợp đồng tại Hàn Quốc vào cuối năm 2016 nhưng không về  nước mà ở lại lao động bất hợp pháp. Anh Tha ký hợp đồng XKLĐ tại Hàn Quốc với thời hạn 4 năm vào tháng 10/2012 với nghề xây dựng. Thời điểm hết hạn hợp đồng, chính quyền địa phương đến thông báo cho gia đình biết để báo cho anh Tha về nước, song anh nói với vợ là ở lại làm thêm mấy năm nữa rồi về.
Khi được hỏi: “Gia đình có biết về việc bị xử phạt vì ở lại cư trú và làm việc trái phép không?”, chị Nguyễn Thị Luận, vợ anh Tha cho biết: “Anh ấy nói về nhà cũng không có việc gì làm để kiếm được chục triệu mỗi tháng, trong khi vợ chồng tôi có 3 con còn quá nhỏ, cộng với mẹ chồng già trên 80 tuổi. Xã cũng đã nhiều lần tới nhà vận động, đưa giấy, tôi cũng trao đổi lại với anh Tha, nhưng anh ấy nói ở lại làm thêm vài năm nữa. Còn việc bị xử phạt hay không tôi không biết, với lại ở xã nhiều người ở lại nhưng có ai bị phạt đâu”.
Theo đánh giá, rất khó xử phạt lao động "chui" ở Hàn Quốc vì chủ thể chưa về nước (Ảnh minh họa)
Theo quy định của Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm và đưa người lao động đi làm việc nước ngoài thì từ 10/3/2014, người lao động làm việc ở nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi làm việc trong hợp đồng hoặc ở lại làm việc trái phép sẽ bị phạt tiền 80-100 triệu đồng. Ngoài ra, người lao động vi phạm còn bị cấm đi làm việc ở nước ngoài từ 2-5 năm.
Những trường hợp bị xử phạt thuộc 3 nhóm: Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng.  
Theo thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định này, nếu quyết định xử phạt không thể giao trực tiếp cho người vi phạm thì sẽ được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã nơi cư trú của người bị xử phạt trước khi đi làm việc ở nước ngoài, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi đã ra quyết định xử phạt và được gửi cho gia đình người bị xử phạt hoặc người bảo lãnh (nếu có). Trường hợp người bị xử phạt không tự nguyện chấp hành thì có thể bị cưỡng chế thi hành.
Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi Nghị định 95/CP nên xem xét miễn hình phạt đối với người lao động tự nguyện hồi hương theo chính sách ân xá của các quốc gia và vùng lãnh thổ (thường tổ chức theo chiến dịch hằng năm). Đây cũng là chính sách mở, khuyến khích người lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài về nước.
Ông Vũ Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Ngải cho biết, Hương Ngải hiện còn khoảng 50 lao động cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Việc xử phạt theo Nghị định 95 xã và các cấp chưa áp dụng, mà chỉ dừng lại ở biện pháp tuyên truyền, vận động là chính. Xã cùng dụng biện pháp “tâm lý” đối với lao động cư trú bất hợp pháp đó là nói rõ cho họ biết ở địa phương hiện có khoảng 20 người có nhu cầu đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Đây là số tồn đọng từ trước và do Thạch Thất là địa phương bị ngừng tiếp nhận nên họ không thể đi được. Vì thế xã luôn mong muốn những lao động hết hạn trở về, vì cơ hội để họ sang Hàn lao động vẫn nhiều.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quyết Thắng - Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạch Thất cũng khẳng định: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền vận động những lao động địa phương đang ở lại trở về để đảm bảo an sinh xã hội của nước sở tại, đồng thời tạo điều kiện cho những người ở nhà muốn đi để phát triển kinh tế. Trong khi có địa phương áp dụng biện pháp mạnh như xử phạt, thì chúng tôi vẫn dùng biện pháp tuyên truyền là chính. Nếu có, chúng tôi chỉ xem xét tiêu chí Gia đình văn hóa vì gia đình chưa chấp hành đúng chủ trương. Còn nếu xử phạt theo Nghị định 95 của Chính phủ thì địa phương chưa áp dụng, vì đối tượng trực tiếp đang ở nước ngoài”./.
Hồng Minh
Từ khóa: lao động