Lao động
Hà Nội hỗ trợ việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc về nước
10:26 AM 28/11/2018
(LĐXH)- Nhằm tạo việc làm ổn định để hoà nhập với cuộc sống tại quê nhà cho các lao động Hà Nội hồi hương nói riêng, từ năm đầu 2018 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Lao động – TBXH Hà Nội) đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ giới thiệu việc làm, kết nối lao động EPS về nước...
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trao đổi: Việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan về nước là hoạt động nhằm hỗ trợ cho người lao động Việt Nam đi xuất khẩu về nước tìm được việc làm, có thu nhập để ổn định cuộc sống. Đồng thời, giúp cho các doanh nghiệp của Hàn Quốc và Nhật Bản tại Việt Nam có thể tuyển dụng được những người lao động phù hợp với yêu cầu công việc. Qua đó động viên, khuyến khích người lao động yên tâm về nước đúng quy định khi hết hạn hợp đồng, góp phần làm giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung bình mỗi Hội chợ việc làm sẽ có sự tham gia của 32 đến 35 doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản tham gia tuyển dụng, với nhu cầu hơn 1.000 vị trí công việc, ngành nghề đa dạng cùng mức lương hấp dẫn.
Lao động EPS của Hà Nội tham gia phỏng vấn vào làm việc tại doanh nghiệp Hàn Quốc ở Việt Nam
Đến tham gia tuyển dụng tại “Hội chợ việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước” do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp tổ chức mới đây, anh Trần Quang Hưng ở xã Phú Bình, huyện Thạch Tất (Hà Nội), cho biết: Tôi thấy các doanh nghiệp Hàn Quốc ở Việt Nam hiện nay rất nhiều, chỉ cần mình chịu khó ôn lại tiếng Hàn một chút và học thêm kỹ năng tin học xử lý văn bản là rất dễ được tuyển dụng với mức thu nhập cũng khá. Sau khi về nước, với vốn tiếng Hàn và kinh nghiệm làm việc trong thời gian ở Hàn Quốc đã tích lũy được, tôi đủ khả năng làm phiên dịch sản xuất. Với mức lương khoảng khoảng 15 triệu đồng, có thể đủ chi phí trang trải cuộc sống, công việc lại khá phù hợp và có điều kiện chăm sóc vợ con.
“Khi còn ở Hàn Quốc, tôi rất lo lắng tới nguồn việc làm và thu nhập khi về Việt Nam. Tuy nhiên khi tới đây, tôi được trực tiếp gặp gỡ doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn nhiều công việc, mặt bằng yêu cầu công việc không khác nhiều so với khi ở Hàn Quốc. Qua tư vấn của Trung tâm và thực tế làm việc ở Hàn Quốc, tôi hiểu giá trị của công việc gần gia đình, dù mức lương có thấp hơn so với bên Hàn Quốc nhưng chúng tôi được gần gia đình và học nâng cao tay nghề” – chị Khuất Thị Hiền, xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), chia sẻ.
Bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, cho rằng: Trên thực tế, các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản luôn có nhu cầu tuyển dụng lao động theo các chương trình EPS và IM Japan rất lớn. Người lao động tham gia các chương trình này được đánh giá là có kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề và khả năng ngoại ngữ cũng được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động đáp ứng được nhu cầu của những doanh nghiệp này là chưa lớn. Lí do là trong thời gian làm việc tại nước bạn, số lao động có ý thức và quyết tâm để trau dồi các kỹ năng nghề cũng như nâng cao trình độ ngoại ngữ chưa cao. Bên cạnh đó, người lao động luôn muốn tìm công việc với mức thu nhập cao hơn lao động phổ thông nhưng lại chưa đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ, kỹ năng. Chính vì vậy, chúng tôi mong người lao động tham gia xuất khẩu lao động cần có ý thức hơn nữa trong việc tự nâng cao trình độ để sau này về nước có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn.

Chí Tâm