Lao động
Hà Nội: Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động trong các doanh nghiệp
03:02 PM 29/05/2017
(LĐXH) Tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho người lao động là nhằm từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật, giúp người lao động giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội theo pháp luật, hạn chế tình trạng xung đột trong mối quan hệ với người sử dụng lao động. Có hiểu biết pháp luật thì người lao động mới có ý thức chấp hành và có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, nhờ đó mới hạn chế được hiện tượng đình công, kiện tụng, tranh cãi... trong mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp (DN) với công nhân.
Tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động giúp người lao động
có ý thức chấp hành và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình
Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục pháp luật cho người lao động, ngày 24/2/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 31/2009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các lọai hình DN từ 2009 – 2012” (Đề án 31). Qua 3 năm thực hiện giai đoạn I Đề án đã thành công tốt đẹp, góp phần nâng cao sự hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật của người sử dụng lao động và người lao động trong các loại hình DN, từ đó thực hiện tốt các chính sách của nhà nước, tạo mối quan hệ hài hòa, ổn định trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ DN đối với nhà nước và người lao động.
Để tiếp tục thực hiện giai đoạn II của Đề án có hiệu quả, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 138/KH- UBND ngày 22/8/2013 về việc triển khai giai đoạn II Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ 2013 đến 2016”, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã và tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp, đồng thời có văn bản chỉ đạo tăng cường thực hiện pháp luật lao động, phòng ngừa giải quyết tranh chấp lao động và đình công, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các DN.
Hằng năm, toàn thành phố Hà Nội có hơn 400.000 lượt lao động và
người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động
Theo Sở Lao động - TBXH thành phố Hà Nội, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lao động là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài đối với ngành Lao động - TBXH. Hằng năm, trên địa bàn thành phố có hơn 400 nghìn lượt người lao động và người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động; hơn 10 nghìn lượt DN được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động với nhiều nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Cụ thể, thành phố tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật lao động như: hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, tiền công, bảo hiểm thất nghiệp, tranh chấp lao động theo nội dung Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực từ 1/5/2013 cho lãnh đạo các phòng Lao động - TBXH, cán bộ nòng cốt và các tuyên truyền viên, hòa giải viên lao động quận, huyện; Bồi dưỡng kiến thức về pháp luật lao động cho các đối tượng là đại diện người sử dụng lao động và người lao động được các DN cử đi tập huấn làm hạt nhân tuyên truyền cho mọi người lao động trong DN mình; Tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động cho người lao động và người sử dụng lao động; Hướng dẫn qui trình đình công, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể, tranh chấp lao động cá nhân, qui trình giải quyết các cuộc đình công không đúng qui định của pháp luật lao động... cho các hoà giải viên cấp quận, huyện và Hội đồng hoà giải cơ sở. Ngoài ra, thành phố còn tổ chức đào tạo kỹ năng thương lượng tập thể cho đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động nhằm hỗ trợ DN khi xây dựng và thương lượng thỏa ước lao động tập thể.
Tại các phiên giao dịch việc làm, người lao động còn được
tư vấn trực tiếp về pháp luật lao động
Các phương thức tuyên truyền chủ yếu bao gồm: Phát tờ rơi; Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề; Tuyên truyền tại các phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng và các phiên lưu động, sàn giao dịch việc làm vệ tinh dưới hình thức tư vấn trực tiếp cho người lao động và phát hành tờ rơi hướng dẫn pháp luật lao động và giải quyết tranh chấp lao động; Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội tư vấn và giải đáp pháp luật lao động cho người lao động, người sử dụng lao động trên Website vieclamhanoi.net và tư vấn qua Tổng đài 1088 nhánh 3, nhánh 5 tại Trung tâm; Tuyền truyền qua hệ thống loa truyền thanh của DN, phường, xã; Hướng dẫn DN, quận, huyện tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật lao động nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5 và triển khai thực hiện đều đặn Ngày Pháp luật trong mỗi tháng nhằm cập nhật kịp thời những qui định mới của pháp luật...
Đến nay, sau 6 năm thực hiện Đề án, nhìn chung các DN trên địa bàn Thủ đô đã quan tâm tới việc ký kết hợp đồng lao động (khoảng trên 90% người lao động được ký kết hợp đồng lao động), với các nội dụng đảm bảo quyền lợi của người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động. Đặc biệt, có những DN thỏa thuận được một số nội dung có lợi hơn cho người lao động như mức trợ cấp thôi việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, số ngày nghỉ phép năm, việc khen thưởng cho người lao động, các chế độ phúc lợi... Nhờ đó đã góp phần giảm số lượng DN sao chép luật khi xây dựng Thỏa ước lao động tập thể.
Năm 2016, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 113 phiên giao dịch việc làm vào ngày thứ ba và thứ năm hàng tuần
Cùng với đó, nội dung trong nội quy lao động của phần lớn DN đã đảm bảo đúng quy định của Bộ luật Lao động, các văn bản hướng dẫn thi hành và phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của DN. Số các DN khi xây dựng nội quy lao động có điểm trái quy định của pháp luật hoặc thiếu nội dung chủ yếu theo quy định của Bộ luật Lao động đã hạn chế nhiều so với trước đây. Các DN cũng đã quan tâm đến việc xây dựng thang lương, bảng lương gửi Phòng Lao động - TBXH đồng thời đảm bảo được nguyên tắc quy định tại Nghị định 49/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng thường xuyên chỉ đạo các cấp công đoàn chú trọng công tác xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở. Tính đến hết năm 2016, trên địa bàn thành phố có trên 7.703 tổ chức công đoàn cơ sở được thành lập, với chất lượng hoạt được nâng lên, tỷ lệ công đoàn cơ sở vững mạnh đạt trên 50%, vững mạnh xuất sắc đạt trên 30%.
Cũng theo Sở Lao động - TBXH thành phố Hà Nội, để thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực, thời gian, phương tiện và kinh phí để triển khai. Tuy nhiên, hiện nay, Sở Lao động - TBXH Hà Nội đang gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền như: Một số văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động còn chưa thống nhất hoặc không rõ ràng, một số văn bản ban hành chậm (như Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 49/2013/NĐ-CP; Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015) gây khó khăn cho công tác tư vấn, tuyên truyền. Công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, quận, huyện, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất chưa được chặt chẽ, thường xuyên. Về nguồn lực và các điều kiện đảm bảo thực hiện đề án, số lượng cán bộ thuộc bộ phận trực tiếp thực hiện các nhiện vụ và hoạt động liên quan đến triển khai pháp luật lao động không nhiều, trong đó số cán bộ có kinh nghiệm, kỹ năng tuyên truyền và nắm vững kiến thức pháp luật lao động còn rất ít. Thêm nữa, nguồn kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động quá hạn hẹp. Chưa có biện pháp động viên, khuyến khích cán bộ, nhân viên nâng cao hiệu quả tuyên truyền thực hiện pháp luật lao động...
Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật lao động
là vô cùng cần thiết và quan trọng
Nguyên nhân chủ yếu là do thành phố Hà Nội chưa xây dựng được cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đưa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới họat động của doanh nghiệp... thành một trong những chỉ tiêu đánh giá doanh nghiệp (theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ được ban hành kèm theo Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg) nhằm khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người lao động trong chính doanh nghiệp mình. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được vai trò quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nên khi được mời tham gia các cuộc tập huấn thì chưa nhiệt tình tham dự.  Đây cũng là một trong số các nguyên nhân chủ quan dẫn đến hiệu quả tuyên truyền chưa cao.
Theo dự báo, trong giai đoạn 2016-2020, số lượng DN được thành lập và người lao động tham gia vào thị trường lao động sẽ tăng cao do Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế và số lượng các DN FDI  đầu tư vốn nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng nhanh. Mặt khác, vì Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của cả nước nên số lượng DN sẽ tăng cao, ước tính tăng từ 150 nghìn DN lên khoảng 200 nghìn DN và số lao động tham gia thị trường lao động sẽ tăng từ khoảng 1,2 triệu người lên khoảng 2- 2,5 triệu người. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật lao động là vô cùng cần thiết và quan trọng. Dự báo hằng năm, sẽ có hơn 420 nghìn lượt lao động và người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và khoảng 11 nghìn lượt DN được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động.
Theo dự báo hằng năm, trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ có hơn 420 nghìn lượt lao động
và người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động
 Để thực hiện được nhiệm vụ này, Sở Lao động - TBXH đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét, bổ sung biên chế cho ngành Lao động - TBXH để có thêm cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ liên quan đến triển khai pháp luật lao động; Có chế độ nâng lương trước thời hạn, phụ cấp trách nhiệm công việc, chế độ thưởng cho cán bộ làm tốt công tác triển khai thực hiện pháp luật lao động nói chung và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động nói riêng. Bộ Tài chính cần có qui định về cơ chế tài chính phù hợp với thực tế của công tác tuyên truyền và ngân sách thành phố hỗ trợ kinh phí hằng năm phục vụ công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật lao động; Bộ Lao động- TBXH, Bộ Tư pháp mở các lớp đào tạo cho cán bộ trực tiếp triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật nhằm tăng cường năng lực cho các cán bộ cấp địa phương.
Hồng Phượng