Lao động
Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giải quyết đình công và tranh chấp lao động
11:02 AM 12/09/2018
(LĐXH)- Để góp phần giảm thiểu tranh chấp lao động và đình công, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường đầu tư ổn định cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho người sử dụng lao động và người lao động theo hướng đa dạng hóa về nội dung, hình thức, tập trung hướng về cơ sở. Đây được coi là “chìa khóa” giúp người lao động hiểu đúng để từ đó có những kiến nghị chính đáng với chủ sử dụng lao động về những quyền lợi hợp pháp của mình, đồng thời đảm bảo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định.
Phổ biến pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) thành phố Hà Nội: Tính đến ngày 10/10/2018, Hà Nội xảy ra 04 cuộc đình công (giảm 03 cuộc so với cùng kỳ năm 2017). Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các cuộc đình công trong năm 2018 chủ yếu là do không thương lượng được các kiến nghị liên quan đến lợi ích của người lao động như: chính sách tăng lương hằng năm, tăng lương theo thâm niên làm việc, chính sách thưởng Tết, chất lượng bữa ăn giữa ca…; vai trò của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp chưa được phát huy, công đoàn chưa thực hiện tốt vai trò đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; ý thức tổ chức kỷ luật lao động của một bộ phận lao động còn kém.

Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tặng quà cho công nhân lao động

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Công tác thanh tra, kiểm tra còn bất cập do lực lượng thanh tra lao động còn mỏng về số lượng, trình độ chưa đồng đều. Do đó, Hà Nội xác định việc tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho người lao động là nhằm từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật, giúp người lao động giải quyết các mâu thẫu phát sinh từ quan hệ lao động thông qua con đường hòa giải và thương lượng, tuân thủ theo pháp luật, hạn chế xung đột, giảm thiểu tranh chấp và hạn chế Theo Sở LĐTB&XH thành phố Hà Nội, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lao động là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài đối với ngành LĐTB&XH. Theo đó hàng năm, trên địa bàn thành phố có hơn 400 nghìn lượt người lao động và người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động; hơn 10 nghìn lượt doanh nghiệp được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động với nhiều nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng.
Cụ thể, thành phố tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật lao động như: Hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, tiền công, bảo hiểm thất nghiệp, tranh chấp lao động theo nội dung Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực từ 1/5/2013 cho lãnh đạo các phòng LĐTB&XH, cán bộ nòng cốt và các tuyên truyền viên, hòa giải viên lao động quận, huyện.
Bồi dưỡng kiến thức về pháp luật lao động cho các đối tượng là đại diện người sử dụng lao động và người lao động được các doanh nghiệp cử đi tập huấn làm hạt nhân tuyên truyền cho mọi người lao động trong doanh nghiệp mình; tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động cho người lao động và người sử dụng lao động.
Hướng dẫn quy trình đình công, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể, tranh chấp lao động cá nhân, quy trình giải quyết các cuộc đình công không đúng quy định của pháp luật lao động... cho các hoà giải viên cấp quận, huyện và Hội đồng hoà giải cơ sở.
Ngoài ra, thành phố còn tổ chức đào tạo kỹ năng thương lượng tập thể cho đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động nhằm hỗ trợ các bên trong thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể.
Đại diện các doanh nghiệp ký cam kết thực hiện xã hội hóa công tác chăm lo phúc lợi cho người lao động tại Lễ phát động Tháng công nhân năm 2017
Phương thức tuyên truyền được đa dạng hóa, phù hợp với các đối tượng như: Phát tờ rơi, tổ chức các lớp tập huấn, đối thoại, Hội thảo chuyên đề, tuyên truyền tại các phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng và các phiên lưu động, sàn giao dịch việc làm vệ tinh dưới hình thức tư vấn trực tiếp cho người lao động và phát hành tờ rơi hướng dẫn pháp luật lao động và giải quyết tranh chấp lao động.
Tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của doanh nghiệp, phường, xã. Hướng dẫn doanh nghiệp quận, huyện tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật lao động nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5 và triển khai thực hiện đều đặn Ngày Pháp luật trong mỗi tháng nhằm cập nhật kịp thời những quy định mới của pháp luật.
Thường xuyên đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật lao động đến người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn thành phố, gắn việc tuyên truyền với công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đưa pháp luật lao động vào cuộc sống, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND tiếp tục triển khai Đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp đến năm 2021".
Theo đó, trong quý I và quý II/2018 triển khai Kế hoạch trong các ngành, đoàn thể của thành phố, các quận, huyện, thị xã, biên soạn tài liệu và các nội dung tuyên truyền. Quý III và quý IV/2018, phổ biến, tuyên truyền một số chuyên đề liên quan đến pháp luật lao động, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật lao động cho người lao động. Từ năm 2019 – 2021 sẽ tiếp tục phổ biến, tuyên truyền pháp luật lao động và các pháp luật khác có liên quan đến người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp, các hợp tác xã hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, các văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Hà Nội.
Tính đến hết tháng 9/2018, Sở LĐTB&XH thành phố Hà Nội đã tiếp nhận và hướng dẫn thương lượng, ký kết 437 bản thoả ước lao động tập thể, hướng dẫn xây dựng 708 bản nội quy lao động. Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo triển khai các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và tổ chức Hội nghị tổng kết thực tiễn và đề xuất giải pháp giảm tỷ lệ nợ BHXH, BHYT. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp năm 2018 trên địa bàn thành phố.
Trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật trong các loại hình doanh nghiệp; tiếp tục hướng dẫn xây dựng phương án lao động, giải quyết chế độ đối với người lao động tại các doanh nghiệp, đơn vị khi cổ phần hoá. Kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2018.
Phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công
Phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công luôn được các cấp, các ngành quan tâm, đặc biệt là Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã thường xuyên có những chỉ đạo rất sát sao, cụ thể:
Ngày 6/9/2017, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã ký Công văn số 4350/UBND-KGVX gửi Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố, Sở LĐTB&XH thành phố Hà Nội cùng các Sở, ngành liên quan về phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu LĐLĐ thành phố chỉ đạo LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành và công đoàn cấp trên cơ sở thường xuyên chủ động nắm bắt tình hình đời sống, nguyện vọng của công nhân lao động để thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật. Các cấp công đoàn thành phố cần đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, tổng hợp thông tin, nguyện vọng của người lao động, báo cáo Tổng LĐLĐ Việt Nam.
UBND thành phố cũng yêu cầu LĐLĐ thành phố chủ động phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Sở Lao động, Thương binh và xã hội Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác giải quyết tranh chấp lao động và đình công.
Đối với Sở LĐTB&XH, UBND thành phố chỉ đạo đơn vị chủ trì phối hợp với LĐLĐ thành phố; Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, việc làm và bảo hiểm xã hội cho người lao động người sử dụng lao động; đổi mới nội dung, phương thức để nâng cao hiệu quả tuyên truyền phổ biến pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động, người sử dụng lao động.
Các cơ quan chức năng thành phố luôn lắng nghe và giải quyết kịp thời những vướng mắc chính đáng do người lao động đặt ra
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, trong đó tập trung vào những địa bàn có nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, những nội dung dễ phát sinh tranh chấp lao động như tiền lương, làm thêm giờ, phúc lợi, ăn ca, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật lao động.
Cùng đó, Sở LĐTB&XH cần hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ đối với Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác giải quyết các cuộc đình công trên địa bàn thành phố; phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục tăng cường công tác đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đối với UBND các quận, huyện, thị xã, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của các thành viên tổ công tác xử lý cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục của quận, huyện, thị xã, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công.
UBND các quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác kiểm tra các doanh nghiệp còn nợ đọng tiền lương và bảo hiểm xã hội đối với người lao động để xử lý đúng quy định, đảm bảo quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho người lao động đồng thời theo dõi, nắm tình hình tiền lương, tiền thưởng của người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh liên quan lĩnh vực lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, việc làm tại địa phương.
UBND các quận, huyện, thị xã cũng cần tăng cường năng lực hoạt động của các hòa giải viên lao động trong việc chủ động hỗ trợ thương lượng ngay khi phát sinh các tranh chấp lao động nhằm hạn chế đình công xảy ra.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể đối với Công an Thành phố Hà Nội, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Liên minh các hợp tác xã thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nhằm thực hiện tốt công tác phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công trên địa bàn thành phố. Khi đình công xảy ra cần sớm tìm hiểu nguyên nhân, chủ động hỗ trợ các bên thương lượng, giải quyết tranh chấp, sớm ổn định tình hình./.
Dương Thìn