Giáo dục - Nghề nghiệp
Hà Nội: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với thị trường lao động
11:09 AM 08/10/2019
(LĐXH) - Xác định vai trò và tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề đảm bảo đủ số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng, góp phần giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố.
Chất lượng ngày càng được cải thiện
Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”, thành phố Hà Nội đã ban hành các văn bản liên quan như: Nghị quyết số 23/2013/NQ-HĐND thông qua “Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”; Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 10/9/2014, trong đó nêu rõ các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 đối với các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn thành phố, nhất là các trường cao đẳng nghề; đồng thời, xây dựng 6 giải pháp trọng tâm, cách thức tổ chức thực hiện, phân công rõ trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình hành động số 28-CTr/TU của Thành ủy với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Ký kết hợp tác đào tạo và chuyển giao công nghệ  
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện các giải pháp, tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ và chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, với mục tiêu giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Từ định hướng này, Hà Nội đã trở thành một trong những thành phố có số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp lớn nhất cả nước với 369 đơn vị (tính đến 31/12/2018), trong đó, có 224 đơn vị là cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 21 trường đào tạo nghề công lập, tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 178.000 lượt người/năm. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thành phố đang tập trung đầu tư 3 trường nghề chất lượng cao đạt chuẩn khu vực, quốc tế, đó là: Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội và Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc.
Khẳng định thương hiệu
Là một trong 45 trường được lựa chọn trong phê duyệt "Ðề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020", trong nhiều năm qua, Trường cao đẳng (CÐ) nghề Công nghệ cao Hà Nội (TP Hà Nội) luôn là địa chỉ tin cậy của học sinh, sinh viên (HSSV) muốn lập nghiệp bằng con đường học nghề. Trường thường xuyên đổi mới công tác tuyển sinh với nhiều giải pháp thu hút người học, chủ động tuyển sinh và đào tạo các nghề mới có nhu cầu sử dụng lao động cao trên địa bàn thành phố Hà Nội, đồng thời đào tạo gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhờ đó, công tác tuyển sinh thường xuyên vượt chỉ tiêu đề ra; dự kiến, quy mô tuyển sinh của trường năm học 2019 lên tới hơn 6.000 sinh viên cho cả ba hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và phấn đấu đạt hơn 7.000 sinh viên vào năm 2020.
Ðể đạt được mục tiêu 100% sinh viên đạt chuẩn đầu ra có việc làm và có thể tự tạo việc làm, Nhà giáo Ưu tú, TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường CÐ nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết: Những năm qua, trường thực hiện nhiều giải pháp đi đầu trong đào tạo nghề chất lượng cao, đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho sinh viên, mỗi bài học là công việc, mỗi mô-đun, môn học là một sản phẩm, học lý thuyết gắn liền với thực hành, thực tế; nghiên cứu khoa học gắn liền với sản xuất, làm ra sản phẩm để nâng cao kỹ năng thực hành nghề, rèn luyện tay nghề cho HSSV... Kết quả, sinh viên có việc làm sau sáu tháng ra trường đạt tỷ lệ hơn 96%. Tỷ lệ sinh viên có việc làm trước khi tốt nghiệp đạt 100%, tập trung vào một số nghề như: điện, điện tử, hàn, cắt gọt kim loại, chăm sóc sắc đẹp… Bắt đầu từ năm học 2018-2019, nhà trường thực hiện chủ trương "Tuyển sinh là tuyển dụng", ký hợp đồng đào tạo với từng sinh viên bảo đảm 100% số sinh viên khi ra trường đạt chuẩn "đầu ra" (gồm các chuẩn kỹ năng nghề, trình độ Tin học quốc tế, tiếng Anh, kỹ năng mềm, an toàn lao động), bảo đảm sinh viên có việc làm và có thể tự tạo việc làm với thu nhập từ 5 đến 15 triệu đồng/tháng.
Chất lượng dạy nghề ngày càng đáp ứng theo nhu cầu thị trường lao động
Đáng nói, số lượng học sinh, sinh viên học nghề tại các sơ sở giáo dục nghề trên địa bàn thành phố tăng đều theo từng năm. Giai đoạn 2014-2018, số lượng người qua đào tạo đạt 891.153 người (bình quân mỗi năm đạt 178.230 lượt người); số lao động qua đào tạo nghề đã tăng từ 148.992 lượt người năm 2014 lên 212.789 lượt người năm 2018. Chất lượng dạy nghề cũng như cơ cấu ngành nghề đã đáp ứng theo nhu cầu thị trường lao động. Điều này, giúp người học nghề dễ tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp và các doanh nghiệp không phải đào tạo lại cho lao động mới được tuyển dụng. Theo tính toán, khoảng 70% học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp; ở một số nghề và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, số người có việc đạt trên 90%, đặc biệt có ngành, nghề đạt 100%.
Cùng với đó, công tác phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giáo dục nghề nghiệp được thành phố rất coi trọng và coi đây là khâu then chốt quyết định chất lượng đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề chất lượng cao. Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, trong giai đoạn 2015-2018, thành phố đã chỉ đạo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho 351 lượt giáo viên. Đến nay, toàn thành phố có tổng số 8.108 nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dạy nghề, tăng 67,65% so với năm 2014. Hầu hết giáo viên đạt chuẩn trình độ nghiệp vụ sư phạm, sử dụng thành thạo kỹ năng soạn thảo giáo án điện tử và ứng dụng CNTT vào trong công tác quản lý và giảng dạy.
Tạo bước đột phá trong công tác đào tạo
Phát huy kết quả đạt được, bước sang giai đoạn mới, thành phố xác định rõ, tiếp tục dành sự ưu tiên đặc biệt cho công tác giáo dục nghề nghiệp, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô và đất nước. Theo đó, đi đôi với tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, thành phố sẽ tiếp tục đổi mới đồng bộ các điều kiện bảo đảm cho công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao ngày càng tốt hơn, gắn với công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động để tập trung đào tạo theo yêu cầu. Đáng chú ý, thành phố tiếp tục tập trung đầu tư trọng điểm 4 trường cao đẳng công lập thuộc thành phố để trở thành trường chất lượng cao, gồm: Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội; Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội; Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc; Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Cùng với đó, nâng cao chất lượng dạy nghề, tiếp cận các chuẩn khu vực và thế giới để áp dụng trong quá trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học; liên tục xây dựng và điều chỉnh chuẩn đầu ra, khung chương trình cho các nghề nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế, triển khai áp dụng khung trình độ quốc gia…
Song hành với việc tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thành phố cũng sẽ chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề cao, đặc biệt là chuẩn hóa kỹ năng nghề cho giáo viên, giảng viên dạy nghề. Đối với giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế, sẽ tổ chức đào tạo giáo viên theo chuẩn chương trình của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới… Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa phát triển giáo dục nghề nghiệp; tăng cường sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp… Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo; tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chất lượng, đào tạo những ngành nghề mũi nhọn; liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm. Xây dựng các mô hình, hình thức và phương thức hợp tác, gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để nâng cao khả năng có việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo, đồng thời, nhân rộng các mô hình hiệu quả này.

Thục Quyên