Lao động
Hà Nội cần tăng cường phòng ngừa, hạn chế thiệt hại do cháy nổ
03:59 PM 22/03/2019
Theo báo cáo của thành phố (TP) Hà Nội, từ năm 2014 đến năm 2018, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra hơn 3.800 vụ cháy và 07 vụ nổ, làm chết 76 người, bị thương 97 người, thiệt hại về tài sản khoảng trên 900 tỷ đồng.
Cảnh sát PCCC TP Hà Nội mở trụ nước để chữa cháy trên đường Nguyễn Ngọc Nại,
quận Thanh Xuân. (Ảnh: NK)
Hà Nội hiện có gần 19.500 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy (PCCC), trong đó cơ hơn 9.100 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ; hơn 4.900 cơ sở sản xuất, kho hàng hóa xen lẫn khu dân cư.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, những năm gần đây, Hà Nội đã chủ động ban hành, triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch trong đó có nhiều văn bản có tính chiến lược cơ bản, lâu dài, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động từ cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu các đơn vị về tầm quan trọng của công tác PCCC.
Về quy hoạch, để chủ động trong công tác PCCC, TP đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc các trụ sở Công an, PCCC là do TP đầu tư. Trên cơ sở đó, tất cả các địa điểm do Cảnh sát PCCC đề nghị, TP đều bố trí đủ trụ sở. Về công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đã hướng dẫn cơ sở lập mới và chỉnh lý 20.201 phương án chữa cháy, 190 phương án cứu hộ, cứu nạn; thực tập và phối hợp thực tập 9.986 phương án chữa cháy, 276 phương án cứu hộ cứu nạn. Trong đó, định kỳ hàng năm tổ chức diễn tập từ 1-2 phương án chữa cháy cấp TP. Lực lượng Cảnh sát PCCC duy trì chế độ trực 24/24 đảm bảo sẵn sàng tổ chức chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.
Về các dự án liên quan công tác PCCC, hiện nay TP thực hiện đầu tư 4 nhóm dự án: Đầu tư trụ sở PCCC; đầu tư trang thiết bị cho Cảnh sát PCCC, Công an, cứu hộ cứu nạn; đầu tư hạ tầng PCCC; đầu tư hệ thống PCCC với tòa chung cư thuộc trách nhiệm quản lý của UBND TP là các nhà tái định cư, phấn đấu hết năm 2019 đầu tư xong cho 176 tòa nhà tái định cư.
Về xử lý công trình không bảo đảm, UBND TP đã áp dụng cơ chế tất cả các chủ đầu tư nếu còn nợ thuế, các công trình chưa khắc phục xong về hạ tầng PCCC thì TP không đồng ý đầu tư dự án mới. Vì vậy, tiến độ trong 2 năm qua các tòa nhà được thực hiện PCCC nhanh hơn.
Với một loạt các biện pháp đồng bộ như vậy, tuy nhiên, từ năm 2014 đến năm 2018, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã xảy ra hơn 3.800 vụ cháy và 07 vụ nổ, làm chết 76 người, bị thương 97 người, thiệt hại về tài sản khoảng trên 900 tỷ đồng.
Cùng với đó, thực trạng hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy còn nhiều bất cập. Mật độ dân cư đông thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác PCCC. Toàn TP hiện có 3.790 trụ nước, 3.058 bể dự trữ nước, 3.407 nguồn nước tự nhiên. Trong khi đó tuyến đường giao thông chính của TP dài gần 1000km theo quy định thì cần có đến 6.000 trụ cấp nước chữa cháy. Mạng lưới dưới đơn vị Cảnh sát PCCC mặc dù đã triển khai thành lập 30 đội Cảnh sát PCCC và 7 Đội chữa cháy và cứu hộ cứu nạn khu vực nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Đáng chú ý, tình trạng công tác phòng cháy ở một số đơn vị còn xem nhẹ, việc đầu tư cho hệ thống PCCC tại chỗ ở một số đơn vị còn mang tính chất đối phó. Công tác điều tra, xử lý về PCCC thiếu quyết liệt nên chưa có tác dụng răn đe, một số trường hợp chưa được giải quyết dứt điểm. Trang bị phương tiện của lực lượng PCCC cơ sở còn thiếu. Công tác tự kiểm tra về PCCC ở một số cơ quan, đơn vị còn bị xem nhẹ…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, 80% nguyên nhân cháy tại Hà Nội là từ điện và chất dễ cháy. Những vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn Hà Nội chủ yếu là do hàn. TP kiến nghị các cơ quan trung ương phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy cho mọi đối tượng. Muốn thế, ý thức, kỹ năng liên quan PCCC cần được đưa vào giảng dạy tại các trường để học sinh có đầy đủ kiến thức….
Để công tác phòng cháy, chữa cháy thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, TP Hà Nội cũng đề nghị các cơ quan trung ương về việc xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở ngày càng chính quy hơn hoặc có thể sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, tạo cơ chế đặc thù cho công tác này tại Hà Nội.
Hiện nay, chính sách quản lý nhà chung cư đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về phí bảo trì, bảo dưỡng; hình thức tự bầu Ban quản lý tòa nhà cũng đang có nhiều bất cập; nhiều tòa nhà tự ý đóng cửa thang máy để giảm chi phí… Vì thế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị Trung ương thống nhất chính sách về quản lý chung cư. Đồng thời, cần có sự đồng bộ bộ quy chuẩn về các thiết bị trong các văn bản quy định để trang bị cho các lực lượng PCCC những sản phẩm tốt của các nước tiên tiến. Hà Nội cũng mong muốn các cơ quan trung ương ủng hộ việc lắp đặt cảm biến phòng cháy, an toàn thang máy tại các tòa nhà cao tầng.../.
Theo Nam Khánh/dangcongsan.vn