Thời sự
Hà Nội bổ sung 3 dự án hầm chui, cầu vượt
12:10 PM 22/11/2017
Có 3 dự án cầu vượt, hầm chui được Hà Nội bổ sung vào danh mục một số công trình trọng điểm của thành phố (giai đoạn 2016-2020), nhằm tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.
Hà Nội bổ sung 3 dự án hầm chui, cầu vượt vào danh mục các công trình trọng điểm
Hà Nội bổ sung 3 dự án hầm chui, cầu vượt vào danh mục các công trình trọng điểm
Theo phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, 3 dự án được bổ sung gồm: dự án xây dựng cầu vượt nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt-đường Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (Vành đai 2,5). Dự án này sử dụng vốn ngân sách thành phố, tổng mức đầu tư dự kiến 503 tỷ đồng;
Dự án thứ hai là xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (Quốc lộ 1A cũ) (quận Hoàng Mai). Dự án này sử dụng vốn ngân sách thành phố, tổng mức đầu tư dự kiến 672 tỷ đồng.
Dự án thứ ba là xây dựng hầm chui Lê Văn Lương-Vành đai 3 theo hình thức hợp đồng BT với tổng mức đầu tư dự kiến 550 tỷ đồng. Dự án do Công ty cổ phần Tasco đề xuất.
Ngoài 3 dự án hầm chui, cầu vượt trên, Hà Nội cũng sẽ điều chỉnh thông tin một số dự án như điều chỉnh từ ngân sách thành phố, ODA thành ngân sách thành phố và BT đối với 4 tuyến đường sắt đô thị và hiện đang nghiên cứu cơ chế thực hiện. Riêng 2 dự án gồm: Tuyến đường sắt đô thị  Hà Nội tuyến 2 (đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình) và tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến 3 (đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai) vẫn giữ nguyên hình thức đầu tư ngân sách thành phố, ODA.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, về bổ sung danh mục công trình trọng điểm của thành phố (giai đoạn 2016-2020), sau điều chỉnh, bổ sung do Ban cán sự đảng UBND thành phố tham mưu, đề xuất gồm 55 dự án; tổng mức đầu tư 422.770 tỷ đồng (gồm 30 dự án ngân sách và ODA; 19 dự án đầu tư theo hình thức PPP; 02 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa).
Thành ủy yêu cầu, trong quá trình thực hiện đầu tư, cần tập trung công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cân đối vốn; xử lý vướng mắc phát sinh; tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công trình, khắc phục thất thoát, lãng phí. Đồng thời cần tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành trong việc hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản các công trình trọng điểm.
Theo tienphong.vn