Giáo dục - Nghề nghiệp
Hà Nam: Phấn đấu giai đoạn 2021-2025, tuyển sinh đào tạo nghề khoảng 100.000 người
03:34 PM 22/03/2023
(LĐXH)- Theo Sở Lao động - TBXH tỉnh Hà Nam, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu tuyển sinh, đào tạo nghề cho khoảng 100.000 người. Trong đó, trình độ cao đẳng 3.450 người, trung cấp 11.850 người, sơ cấp 28.200 người và đào tạo thường xuyên 56.500 người.
Tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu học nghề
Những ngành nghề được tập trung chủ yếu là ngành, nghề phục vụ cho phát triển công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, logistic, du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; ít nhất có 90% có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt 60%.
Tỉnh Hà Nam đã ban hành Kế hoạch Giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, tạo việc làm mới và việc làm thêm nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội; Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành trong tổ chức triển khai thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm.
Theo đó, tỉnh Hà Nam đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục nghề nghiệp; gắn việc phát triển giáo dục nghề nghiệp với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai thực hiện Chỉ thị 24/CT- TTg ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Tiếp tục thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vai trò, vị trí của giáo dục nghề nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và xây dựng nông thôn mới.
Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Đẩy mạnh các hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động, nhất là đào tạo các kỹ năng làm việc, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu nhân lực của thị trường lao động. Tăng cường phân cấp và tăng tính tự chủ cho các đơn vị gắn với trách nhiệm, sự quản lý của các cơ quan liên quan và giám sát của xã hội.
Chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tăng cường chuyển đổi số và đổi mới phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Đổi mới, cập nhật chương trình, giáo trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm, các ngành, nghề phục vụ cho phát triển công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, logistics, du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo các nghề trọng điểm cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Trường cao đẳng Nghề Hà Nam, Trường cao đẳng Y tế Hà Nam, Trường trung cấp nghề Công nghệ Hà Nam, 05 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; Phát triển đội ngũ cán bô ̣ quản lý, giáo viên, người day nghề: Tập huấn về kỹ năng tuyên truyền, tư vấn học nghề và giải quyết việc làm cho lao đông sau học nghề. Tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng dạy học cho giáo viên và người dạy nghề để bổ sung giáo viên, người dạy nghề cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp. Tổ chức Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh, tham gia Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc.
Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững. Thực hiện cơ chế, chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật.
Hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các Trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp. Chú trọng phát triển tinh thần khởi nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng các mô hình ký kết, liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới như điện, điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động.
Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các sai phạm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp./.

Hồng Phượng