Lao động
Hà Nam: Khắc phục khó khăn, tập trung thực hiện chính sách việc làm
04:21 PM 26/08/2021
Dịch Covid-19 diễn ra trong thời gian qua đã làm cho hàng nghìn công nhân bị mất việc làm, giảm thu nhập, đặc biệt khó khăn tìm kiếm việc làm mới. Đã có hàng nghìn người đã nộp hồ sơ đề nghị được hưởng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nhưng đa số không có nhu cầu tham gia vào thị trường lao động nên công tác tư vấn giới thiệu việc làm gặp nhiều khó khăn.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam, Trung tâm đã tiếp nhận 2.163 hồ sơ đề nghị hưởng BHTN, trong đó 1.762 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) với số tiền trên 25 tỷ đồng. Có 6 trường hợp không đủ điều kiện hưởng BHTN, 24 trường hợp khác hủy Quyết định hưởng TCTN; 81 trường hợp được hỗ trợ học nghề với kinh phí 243 triệu đồng; 2.280 người được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.
Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn việc làm
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường lao động ở Hà Nam cũng chịu nhiều tác động. Trung tâm không chỉ làm tốt công tác chống dịch mà còn tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động hiệu quả, là cầu nối uy tín giữa doanh nghiệp và người lao động, giải quyết chế độ thất nghiệp kịp thời để người lao động ổn định cuộc sống. Hiện nay, người lao động đến trung tâm nộp hồ sơ giải quyết chế độ BHTN mục đích chỉ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, phần lớn họ không có nhu cầu tham gia vào thị trường lao động nên công tác tư vấn, giới thiệu việc làm gặp nhiều khó khăn. Do đó việc triển khai tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa đạt kết quả cao. 
Thực tế, ảnh hưởng của dịch Covid – 19 tại Hà Nam đã làm cho nhiều lao động bị cách ly, đến ngày khai báo họ không thể khai báo tình trạng việc làm. Đây chính là khó khăn trong việc tư vấn, giới thiệu việc làm để người lao động hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp. 
Để làm cầu nối cho người lao động và doanh nghiệp có hiệu quả, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nam đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ tối đa cho người lao động. Theo đó, Trung tâm chủ trương tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm qua các hình thức trực tuyến; phối hợp chặt chẽ, khoa học với các cơ sở đào tạo nghề tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi đăng ký học nghề; đa dạng thông tin để người lao động và doanh nghiệp nắm bắt... Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bảo hiểm xã hội trong công tác quản lý người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp khi tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp mới để hạn chế tối đa tình trạng trục lợi BHXH. 
Tuy nhiên, một số trường hợp người lao động hưởng sai quy định phải thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp nhưng không liên hệ được hoặc cố tình không nộp lại gây khó khăn cho cán bộ trung tâm trong việc đôn đốc, thu hồi những khoản tiền hưởng sai này. Bên cạnh đó, không ít người lao động vẫn chưa nắm rõ những quy định tại Nghị quyết 61/2020/NĐ – CP khi có việc làm mới trong thời hạn 03 ngày (tính theo ngày làm việc) phải thông báo lại cho Trung tâm nhưng người lao động không thông báo theo đúng quy định nên không được bảo lưu thời gian đóng BHTN. 
Ông Tuấn cho biết thêm: Trung tâm phải tập trung nhân lực của tất cả các phòng, ban đón tiếp, phân luồng khai báo y tế, đo thân nhiệt, giãn cách theo đúng 5K của Bộ Y tế, tư vấn ban đầu và giải quyết hưởng BHTN cho người lao động. Trong thời điểm này, số lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề lái xe ô tô các hạng B2, hạng C nhiều nhưng các đơn vị đào tạo lái xe ô tô trên địa bàn tỉnh đang quá tải nên không tiếp nhận số người học lái xe mà đơn vị giới thiệu. 
Trong những tháng cuối năm, Trung tâm dịch vụ việc tỉnh Hà Nam tiếp tục phát huy có hiệu quả những chủ trương, chính sách mà tỉnh đề ra, cũng như thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg để người lao động sớm ổn định việc làm, thu nhập, chính sách bảo hiểm… Đồng thời, Trung tâm tiếp tục đổi mới phương thức tư vấn giới thiệu việc làm, dạy nghề cho người lao động có nhu cầu, nhất là lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp; phối hợp với các doanh nghiệp giới thiệu việc làm, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ./.
PV