Lao động
Hà Nam có trên 77.200 người lao động làm việc trong các Khu công nghiệp
09:55 AM 03/11/2021
(LĐXH)- Tính đến hết quý III năm 2021, số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Hà Nam là 77.208 người; trong đó có 52 người lao động làm việc tại doanh nghiệp Nhà nước, 61.515 lao động làm việc tại doanh nghiệp FDI và 15.641 người làm việc tại doanh nghiệp dân doanh.
Ông Phạm Bá Tùng, Phó trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Hà Nam, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 08 KCN với tổng diện tích là 2.534ha, trong đó có 07 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích là 2.334ha. Số dự án thu hút lũy kế đến hết tháng 10/2021 là 475 dự án (tương ứng với 465 doanh nghiệp do một số doanh nghiệp có nhiều dự án), bao gồm: 184 dự án trong nước với tổng vốn đầu từ là 35.506 tỷ đồng, 291 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 4.064 triệu USD. Số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp lũy kế đến hết tháng 9/2021 trong các KCN là 77.208 người; trong đó số lao động trong tỉnh là 48.233 người (chiếm 62,47%), số lao động ngoài tỉnh là 27.273 người (chiếm 35,33%), số lao động nước ngoài là 1.702 người (chiếm 2,2%). Trong số 465 doanh nghiệp thì có 01 doanh nghiệp Nhà nước, 179 doanh nghiệp dân doanh và 285 doanh nghiệp FDI.

Người lao động làm việc tại Ðồng Văn (thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam)

Qua đánh giá, số lượng các dự án đầu tư vào KCN càng nhiều, nhu cầu sử dụng lao động càng lớn, trong khi Hà Nam là một trong những tỉnh có số lượng nguồn dân cư thấp so với cả nước. Hiện nay, do nhu cầu lao động nhiều nên số lượng lao động của tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vì vậy doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động ngoại tỉnh để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Để đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trong KCN có nhu cầu tuyển dụng lao động trong quý IV/2021 là 7.930 người, bao gồm: lao động quản lý 198 người, lao động chuyên môn kỹ thuật 1.262 người và 6.470 người lao động phổ thông; lao động trong tỉnh là 5.471 người và 2.459 lao động ngoài tỉnh. Dự kiến trong năm 2022, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 16.865 người (trong đó lao động quản lý là 403 người, lao động chuyên môn kỹ thuật là 2.668 người, 13.794 người là lao động phổ thông; lao động trong tỉnh là 11.556 người, 5.309 lao động ngoại tỉnh).
Theo Phó trưởng Ban quản lý Phạm Bá Tùng: Những năm qua, để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như thu hút người lao động làm việc cho các doanh nghiệp được ổn định, tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định 17 và Quyết định 35 (sửa đổi Quyết định 17) để hỗ trợ đào tạo nghề cho người Hà Nam làm việc tại doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn thành lập Đề án đào tạo tiếng Nhật, tiếng Hàn cho người lao động. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh thực hiện các gói hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành cho người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để người lao động và doanh nghiệp giảm bớt được khó khăn trong đại dịch yên tâm hoạt động sản xuất.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo tiêm bao phủ vắc xin Covid-19 cho tất cả người lao động đang làm việc tại KCN. Đặc biệt, ngay khi phát hiện có ca F0 trong KCN Châu Sơn (thành phố Phủ Lý) vào thượng tuần tháng 9/2021, Ban Quản lý các KCN đã phối hợp ngành y tế triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho lực lượng công nhân, người lao động trong các KCN, nhất là KCN Châu Sơn.
Với phương châm "lấy mẫu thần tốc, xét nghiệm tích cực, kết quả chính xác", trong thời gian ngắn nhất, việc lấy mẫu cho người lao động trong KCN Châu Sơn đã được hoàn thành, giúp cho việc phát hiện, truy vết, khoanh vùng kịp thời các trường hợp F0 và xác định nhanh các trường hợp F1, F2 để thực hiện cách ly. Ðồng thời, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho công nhân lao động trong các KCN.
Tính đến ngày 2/11, toàn KCN trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã tiêm được 79.280 mũi 1 vắc xin Covid-19 (bao gồm cả các đơn vị cung cấp dịch vụ trong KCN), tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 là 58.124 người.
“Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để giữ chân người lao động, doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người cho người lao động, cải thiện điều kiện lao động, thực hiện đối thoại định kỳ và quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. Doanh nghiệp đã có các hỗ trợ về nhà ở, đi lại, xăng xe… cho người lao động để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp” – ông Phạm Bá Tùng, thông tin.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong KCN của tỉnh cũng đã chủ động thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến” cho những lao động ngoại tỉnh bằng việc thuê khách sạn, nhà trọ, hỗ trợ tiền ăn, ở cho người lao động thực hiện “3 tại chỗ”; hỗ trợ tiền cho người lao động làm việc “3 tại chỗ”, hỗ trợ chi phí xét nghiệm, trả 100% hoặc 80% lương cho người lao động bị cách ly, phong tỏa… không thể đi làm.

Chí Tâm