Xã hội
Hà Giang: Nỗ lực thực hiện các mục tiêu giảm nghèo
08:54 AM 24/11/2022
(LĐXH) – Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Hà Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu và có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đói, nghèo.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025, tỉnh ta có 79.102 hộ nghèo, chiếm 42,08% số hộ toàn tỉnh; trong đó tại 7 huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm từ 48,83% - 67,96%. Nguyên nhân các hộ nghèo do thiếu đất sản xuất, nguồn vốn, lao động, công cụ, phương tiện sản xuất, kiến thức và kỹ năng lao động, ốm đau, bệnh nặng. Đồng thời, các hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: Việc làm, dinh dưỡng của trẻ em, trình độ văn hóa của người lớn, bảo hiểm y tế, nhà ở, nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và tiếp cận thông tin.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm trở lên; trong đó tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm 6%/năm trở lên. Phấn đấu đến năm 2025 có 2 huyện nghèo và 29 xã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2020; trên 12.000 hộ nghèo, cận nghèo các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; ít nhất 60% hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ sinh sống ở huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn được tiếp cận thông tin. 100% các huyện nghèo, xã thuộc huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa, kết nối thị trường và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản…
Mô hình nuôi bò sinh sản giúp nông dân Hà Giang thoát nghèo
Để đạt được các mục tiêu đề ra, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; Các Sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động triển khai các dự án của Chương trình. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) (cơ quan thường trực Chương trình giảm nghèo bền vững) đã có các văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện. Các địa phương cũng chủ động ban hành kế hoạch, giải pháp cụ thể để thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững; chỉ đạo các xã, phường phối hợp thực hiện các Dự án được triển khai về cơ sở.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nội dung và hình thức phong phú nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhất là người dân, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.
Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo như: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội để tham gia phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; hỗ trợ bảo hiểm y tế; miễn giảm học phí, học bổng, chi phí sinh hoạt học tập cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ nhà ở… Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh đã tập trung và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giảm nghèo tại các huyện, thành phố (tỉnh đang triển khai 7 dự án giảm nghèo: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình).
Đối với Tiểu dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo (thuộc Dự án 1) của 7 huyện nghèo, các sở, ngành, địa phương đã phối hợp rà soát danh mục đầu tư, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt. HĐND các huyện ban hành Nghị quyết phê duyệt danh mục và phân bổ vốn đầu tư năm 2022. Trong năm, các huyện đã đầu tư khởi công mới 62 công trình liên xã thiết yếu, bao gồm: 47 công trình giao thông, 1 công trình điện, 8 công trình trường học, 1 công trình y tế, 3 công trình nước sinh hoạt, 1 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và 1 công trình chợ do cộng đồng đề xuất.
Đối với Tiểu dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn và Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững (thuộc Dự án 4), UBND tỉnh đã phân bổ nguồn vốn cho Trường Cao đẳng - Kỹ thuật và Công nghệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, các cấp, ngành đang thực hiện giải ngân; trong đó các dự án về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp được đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn còn một số khó khăn như: Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành chậm, ảnh hưởng đến tiến độ tham mưu, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện của tỉnh, đặc biệt là các chính sách trong chương trình quy định phải trình HĐND tỉnh định mức, trình tự thủ tục hồ sơ, thẩm quyền phê duyệt, nên việc triển khai thực hiện ở cơ sở chậm; do điều kiện tự nhiên và khí hậu tại các huyện vùng cao khá khắc nghiệt nên một số hoạt động sản xuất nông nghiệp khó triển khai…
Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh Hà Giang sẽ tập trung tăng cường lãnh, chỉ đạo đối với công tác giảm nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân, đặc biệt là hộ nghèo về công tác giảm nghèo; thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo, các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; huy động và lồng ghép hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững… góp phần hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo bền vững mà tỉnh đã đặt ra./.
Hưng Cảnh