Xã hội
Hà Giang: Nỗ lực, đột phá trong công tác giảm nghèo
04:40 PM 29/01/2019
(LĐXH) Hà Giang là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Trong những năm qua, mặc dù đã đạt được những thành tích nổi bật trong công tác giảm nghèo, đời sống của đại đa số người dân đã được thay đổi đáng kể, tuy nhiên công tác giảm nghèo vẫn chưa thực sự bền vững.
Theo kết quả điều tra hộ nghèo cuối năm 2015 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang chiếm 43,65%, trong đó 6 huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 64,03%; số hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 11,38%. Đây là một khó khăn và thách thức cho công tác giảm nghèo của tỉnh Hà Giang, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành và của nhân dân, sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng và chính quyền trong tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020, Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và thực trạng nghèo của tỉnh Hà Giang, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29/7/2016 về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2020; đồng thời HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 21/7/2016 về việc phê duyệt Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016- 2020, được UBND tỉnh Hà Giang cụ thể hóa thành Chương trình số 190/CTr-UBND ngày 05/8/2016. Trên cơ sở đó, các ngành, huyện, thành phố xây dựng Chương trình, Kế hoạch thực hiện bằng các nhiệm vụ cụ thể với các giải pháp chi tiết đến từng lĩnh vực, từng xã, thôn bản và hộ nghèo, đảm bảo tạo điều kiện để các hộ nghèo đều có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản để thoát nghèo bền vững.

Đ/c Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở Lao động - TBXH thăm và động viên hộ gia đình thoát nghèo điển hình năm 2018 tại xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên

Với mục tiêu tạo sự đột phá trong công tác giảm nghèo, các chương trình, dự án, các giải pháp, chính sách an sinh xã hội đã được đổi mới cách tiếp cận và mở rộng độ bao phủ, huy động được nhiều nguồn lực. Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm ở các hộ thiếu hụt các chiều tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; vận động xã hội giúp tạo việc làm, thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Công tác truyền thông về giảm nghèo được tăng cường và đổi mới đến từng thôn bản và đặc biệt là người nghèo. Hàng tuần, các buổi phát thanh truyền hình tỉnh và số báo Hà Giang đều có các tin bài về chủ trương của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, gương điển hình, kinh nghiệm, mô hình giảm nghèo thành công của các địa phương, cộng đồng và người nghèo. Đặc biệt là các chương trình phát thanh về chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước tại các chợ phiên vùng cao bằng tiếng Việt cũng như tiếng dân tộc thu hút được rất nhiều đồng bào quan tâm. Công tác truyền thông đã góp phần làm chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo bền vững.
Từ kinh phí Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2018, tỉnh Hà Giang đã đầu tư xây dựng 56 Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo cho hơn 1.000 hộ nghèo, tập trung cho các xã đặc biệt khó khăn phấn đấu hoàn thành nông thôn mới như xã Lũng Cú - huyện Đồng Văn, xã Xín Mần - huyện Xín Mần, xã Quyết Tiến - huyện Quản Bạ... Để tạo nguồn thu nhập nhanh và ổn định cho các hộ phấn đấu thoát nghèo, Hà Giang đã quan tâm chỉ đạo các huyện tập trung vận động, hỗ trợ và hướng dẫn các hộ nghèo có lao động trong độ tuổi tham gia các chương trình đưa lao động đi làm việc tại các khu cụm công nghiệp và đi làm việc tại Trung Quốc theo thỏa thuận đã ký kết. Kết quả từ năm 2016-2018, toàn tỉnh đã có trên 18.000 lao động đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động đem lại thu nhập ổn định cho hộ dân.
Thực hiện công tác phụ trách, giúp đỡ xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 247-QĐ/TU ngày 10/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, định kỳ lãnh đạo các ngành và các cán bộ được phân công phụ trách xuống xã chỉ đạo và trợ giúp xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo; vận động cán bộ trong cơ quan và các tổ chức, nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ nhân dân trong xã với tổng trị giá 105,7 tỷ đồng. Đặc biệt, 6 huyện nghèo tiếp tục vận động các tập đoàn, tổng công ty hỗ trợ 131,4 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho xây dựng các trường học, lớp học, nhà lưu trú, bếp ăn học sinh vùng sâu, vùng xa...
 Với sự hỗ trợ của Nhà nước, huy động nguồn lực xã hội hóa đã góp phần vào công tác giảm nghèo đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kết quả từ năm 2016 đến hết năm 2018, tỉnh Hà Giang giảm được 18.230 hộ nghèo, (từ 43,65% xuống còn 31,17%), giảm 12,48%, trong đó 6 huyện nghèo tỷ lệ hộ nghèo còn 46,25%, giảm 17,78%. Đời sống của hộ nghèo ngày càng được nâng cao, tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã nghèo tiếp tục được hoàn thiện, bàn giao đưa vào sử dụng.
Với mục tiêu “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong thời gian tới, Hà Giang tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án nhằm đảm bảo giảm nghèo bền vững, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4,2%/năm và giảm 6% đối với huyện nghèo, xã nghèo; Triển khai thực hiện mô hình giảm nghèo theo hướng tập trung các mô hình có tính mới và khả năng nhân rộng cao, lồng ghép các nguồn lực địa phương tham gia vào chương trình, đẩy mạnh công tác thông tin, báo cáo nhằm đánh giá và kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương.
Qua những kết quả đạt được, Hà Giang đã rút ra được những bài học kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo như:
Một là, giảm nghèo là sự nghiệp lâu dài gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, do đó cần phải kiên trì để thực hiện mục tiêu đề ra trong cả hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện, tránh chủ quan nóng vội, bệnh thành tích; Cấp ủy, chính quyền các cấp phải quán triệt đầy đủ trách nhiệm và vai trò lãnh đạo của mình; phải huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội mới có thể thành công.
Hai là, vai trò của người dân, đặc biệt là bản thân người nghèo là nhân tố quyết định đến sự bền vững của chương trình giảm nghèo. Vì vậy, phải khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của chính bản thân người nghèo, kết hợp với các chính sách hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Ba là, các chính sách giảm nghèo phải thường xuyên được tổ chức rà soát, đánh giá, mang tính hệ thống để người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thuận tiện, hiệu quả hơn; những chính sách qua thực hiện thấy bất hợp lý phải khẩn trương được sửa đổi, thay thế. Chính sách giảm nghèo cần phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn; đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, có các chính sách giảm nghèo chung, có chính sách giảm nghèo đặc thù cho từng vùng khó khăn, nhóm người nghèo dân tộc thiểu số, người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.
Bốn là, nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quyết định, cần được ưu tiên và bố trí kịp thời  để thực hiện chương trình giảm nghèo, ưu tiên cho các địa bàn nghèo; đồng thời có cơ chế để huy động nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và chính bản thân hộ nghèo trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo; các chính sách và nguồn lực phải được công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng và hiệu quả; chuyển dần từ hình thức hỗ trợ cho không sang hình thức hỗ trợ có điều kiện hoặc có thu hồi để người dân có ý thức bảo toàn vốn, tránh tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ cho không của nhà nước.
Năm là, trên cơ sở Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, cần xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể trên địa bàn để tổ chức thực hiện; phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo. Thực tế cho thấy nơi nào, địa phương nào, cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị ở địa phương, thực hiện phân cấp, mở rộng sự tham gia của người dân thì nơi đó, giảm nghèo đạt kết quả cao và ngược lại.
Sáu là, công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình giảm nghèo cần được tổ chức thường xuyên ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở, từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc tổ chức thực thi chính sách; thông qua đó để hạn chế các tiêu cực, lợi dụng chính sách, đồng thời phát hiện những hạn chế, bất hợp lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Bẩy là, thường xuyên tổ chức các hình thức truyền thông về giảm nghèo đa dạng, phù hợp để chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đến được với người nghèo; phát hiện, tuyên truyền, phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng; tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm giảm nghèo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Sùng Đại Hùng
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội