Xã hội
Hà Giang: Những kết quả đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo
06:12 PM 08/01/2021
(LĐXH)-Hà Giang là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nên tỉnh xác định công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng được đặt lên hàng đầu để giúp người dân thoát nghèo, “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Thực hiện các nghị quyết, quyết định của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững; BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29.7.2016 về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
Nhờ vốn vay Ngân hàng CSXH, chị Vù Thị Hoa, thôn Thượng Sơn, thị trấn Tam Sơn đầu tư phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo và xây được nhà kiên cố.
Với mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 4%/năm, các huyện nghèo, xã nghèo giảm 6%/năm, hạn chế tái nghèo, HĐND - UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng đồng thời thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững từ cấp tỉnh đến cơ sở do Chủ tịch UBND các cấp làm Trưởng ban, lãnh, chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt về công tác giảm nghèo. Trên cơ sở nhiệm vụ, nguồn lực được phân bổ, các ngành thành viên BCĐ chủ động tham mưu giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát các chính sách, dự án giảm nghèo theo từng lĩnh vực cụ thể.
Các địa phương cũng xây dựng chương trình, kế hoạch, nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo và triển khai thực hiện chi tiết đến từng lĩnh vực, từng xã, thôn, bản và hộ nghèo; giao trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ nghèo; tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo tiếp cận các chính sách ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản để thoát nghèo bền vững.
Giai đoạn 2016 – 2020, tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo trên địa bàn tỉnh gần 8.226 tỷ đồng. Các chương trình 30a, 135, xây dựng Nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ và mang lại hiệu quả rõ nét. Bên cạnh đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng, giúp người dân tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản; các địa phương chú trọng lồng ghép nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng; tập trung vào các hoạt động chủ yếu, như: Chăm sóc, bảo vệ rừng, hỗ trợ giống, phân bón, làm chuồng trại chăn nuôi, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, mua vắc - xin phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; hỗ trợ 2.574 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và 12.651 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp.
 
Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020 được các cấp, ngành triển khai hiệu quả. Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vàng Seo Cón, khẳng định: “Hàng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh đều ra lời kêu gọi “Chung tay vì người nghèo”, triển khai Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của toàn xã hội. Giai đoạn 2016 – 2019, Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh đã thu được gần 14 tỷ đồng; số kinh phí này được sử dụng hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nhèo, hỗ trợ người dân bị thiên tai, hỏa hoạn, thăm hỏi, động viên người nghèo. Các tổ chức chính trị - xã hội cũng vào cuộc quyết liệt, triển khai các mô hình giảm nghèo phù hợp với điều kiện thực tế, gắn với hoạt động công tác hội, giúp hội viên vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2016 đến nay, các đơn vị, cá nhân, tổ chức đã hỗ trợ người dân bằng nhiều hình thức với tổng số tiền trị giá 495 tỷ đồng...
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phát động chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, góp sức rất lớn của các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân nhà hảo tâm, cán bộ và nhân dân trên mọi miền cả nước, kết thúc giai đoạn 1, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện và hoàn thành 3.336 nhà, vượt mục tiêu đề ra 1.336 nhà;  trong đó, có 214 hộ người có công, 475 hộ CCB nghèo, 2.647 hộ nghèo. Tổng kinh phí huy động xã hội hóa trên 200 tỷ đồng.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chung tay của toàn xã hội và nỗ lực vươn lên của hộ nghèo, gian đoạn 2016 – 2020 có hàng chục nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh thoát nghèo, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng lên. “Bức tranh” giảm nghèo có thêm nhiều gam màu tươi sáng.
Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ làm mới và sửa chữa 326 nhà đại đoàn kết từ Quỹ “Vì người nghèo”; Hội Nông dân vận động hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi hỗ trợ cho 72.341 lượt hộ nghèo về vốn sản xuất, cây con giống, tiền trị giá 15 tỷ đồng và giúp được 5.467 hộ thoát nghèo... Huyện Mèo Vạc sáng tạo trong triển khai chương trình đảng viên, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo và giải quyết việc làm cho lao động đi làm việc tại Trung Quốc; huyện Xín Mần đẩy mạnh thực hiện Đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”... Giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho trên 91.760 lao động, trong đó 39.644 lao động đi làm việc ngoài tỉnh và 2.996 người đi xuất khẩu.
Có thể nói, với việc cụ thể hóa các nội dung giảm nghèo và với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, tỉnh Hà Giang đã giúp người nghèo tiếp cận đa chiều các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh, thông tin. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Hà Giang đã giảm 33.163 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 22,53%. trong đó, các huyện nghèo giảm từ 64,03% xuống còn 34%, bình quân mỗi năm giảm 6%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI./.
Minh Hạnh