Lao động
Hà Giang nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động
09:17 AM 24/08/2020
(LĐXH)- Những năm gần đây, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã được quan tâm, triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Trong đó, để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, các cấp, ngành, doanh nghiệp ở Hà Giang đã tích cực triển khai các nội dung của Chỉ thị và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và công tác giảm nghèo của tỉnh. Trong đó, tỉnh xác định tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là nội dung quan trọng trong việc triển khai Luật ATVSLĐ cũng như thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW. Từ đó, tạo sự quan tâm, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân và doanh nhân về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và tuyên truyền về ATVSLĐ tại một số đơn vị trong tỉnh Hà Giang
Theo ông Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở Lao động – TBXH Hà Giang, cho biết: Thực hiện văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ hằng năm; ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn về công tác huấn luyện ATVSLĐ, kiểm định máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; tổng hợp, báo cáo công tác ATVSLĐ và tình hình tai nạn lao động; thông báo, phân tích nguyên nhân, đánh giá tình hình tai nạn lao động. Trên cơ sở đó chỉ đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức về công tác ATVSLĐ phù hợp với công việc, địa bàn và đặc thù ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, từ khi Hội đồng ATVSLĐ tỉnh Hà Giang được thành lập (tháng 7/2018), đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Sở Lao động – TBXH làm Phó chủ tịch Thường trực cùng các thành viên đã chỉ đạo các cấp, ngành, doanh nghiệp triển khai công tác ATVSLĐ theo chủ đề, có trọng tâm, trọng điểm, phân theo từng nhóm đối tượng, từng chương trình phù hợp và đa dạng, tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Tập huấn, huấn luyện trực tiếp, thông qua các cuộc thi, hội nghị, hội thảo chuyên đề; hoạt động đối thoại với nhân dân, người lao động và với doanh nghiệp; qua công tác thanh tra, kiểm tra; trên các phương tiện thông tin đại chúng và Trang Thông tin điện tử của cơ quan chuyên môn...
Chỉ tính riêng năm 2019, Sở Lao động – TBXH đã in ấn trên 1.400 tờ rơi tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động đối với công tác ATVSLĐ; tờ rơi tuyên truyền về hướng dẫn sản xuất an toàn trong sử dụng một số thết bị, máy móc và chuyển phát hàng ngàn tài liệu tuyên truyên đến các huyện, thành phố. Tổ chức tuyên truyền về công tác ATVSLĐ cho 350 cán bộ cơ sở xã, thôn, bản của huyện Bắc Mê và Vị Xuyên; hỗ trợ tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho 489 lao động tại 7 doanh nghiệp làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại. Ngoài ra, Sở còn phối hợp các ngành hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động tổ chức tập huấn ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động; đo kiểm môi trường lao động, khám sức khỏe cho người lao động... đồng thời phối hợp kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Có thể nói, đến nay, công tác nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ ở Hà Giang đã và đang được quan tâm triển khai, tác động tích cực đến hàng ngàn người lao động trong nông nghiệp. Kết quả, tần suất tai nạn lao động chết người (trong các ngành có nguy cơ cao về tai nạn lao động) đều giảm; 100% số vụ tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động nặng được điều tra, xử lý; số đơn vị, cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động hàng năm đều tăng. Công tác tuyên truyền cho cán bộ cơ sở và huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, người sử dụng lao động cũng được chú trọng thực hiện.

Chí Tâm