Lao động
Hà Giang hưởng ứng tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2022
09:50 AM 20/04/2022
(LĐXH) – UBND tỉnh Hà Giang vừa triển khai Kế hoạch tổ chức Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2022.
Điện lực huyện Vị Xuyên diễn tập xử lý sự cố đường dây điện
Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của người người lao động và người sử dụng lao động, đồng thời đẩy mạnh thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, chương trình hành động cụ thể trong thời gian tới.
Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 được tỉnh Hà Giang tổ chức từ ngày 01 đến ngày 31 tháng 5 năm 2022 với chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và nâng cao năng suất lao động tại nơi làm việc trong thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Trong tháng hành động, các sở, nghành, đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện, thành phố thường xuyên phát hành các thông điệp, ấn phẩm tuyên truyền về chủ đề, nội dung hoạt động của Tháng hành động về ATVSLĐ.
Tùy theo điều kiện các huyện, thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động xây dựng Kế hoạch và tổ chức ATVSLĐ 2022 trong phạm vi địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cho phù hợp với chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ và phù hợp với các hướng dẫn về phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ và UBND hiện hành.
Từ đó, UBND tỉnh giao Sở Lao động thương binh và Xã hội Hà Giang cùng phối hợp với ban, nghành liên quan đẩy mạnh hoạt động truyền thông, ứng dụng công nghệ, thông tin, mạng xã hội, truyền thông nội bộ để thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách, các nguyên nhân, nguy cơ, rủi ro gây TNLĐ, BNN tới các doanh nghiệp, người lao động.
Phát các ấn phẩm, thông điệp, phóng sự, cảnh báo phòng ngừa TNLĐ, BNN; phát các sổ tay, tài liệu hướng dẫn, clip, tuyên truyền ATVSLĐ đến các cơ sở, doanh nghiệp, người lao động; tuyên truyền trên hệ thống các đài phát thanh các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp. Kết hợp tuyên truyền Tháng ATVSLĐ với Tháng công nhân.
Diễn tập tình huống sơ cứu công nhân tai nạn lao động, băng bó vết thương tại chỗ
Tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, huấn luyện về kỹ năng làm việc, an toàn cho người lao động; kỹ năng phòng ngừa TNLĐ, BNN: về các quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp, người lao động khi tham gia TNLĐ, BNN. Tổ chức các hoạt động kiểm tra, rà soát các nguy cơ mất an toàn tại các công trình xây dựng, giao thông nơi đông người qua lại, các sơ sở thương mại, trường học, điểm vui chơi, khu dân cư về an toàn điện, hàn cắt, phòng ngừa tai nạn ngã cao, vật rơi..., đảm bảo an toàn lao động, sản xuất và phòng chống dịch bệnh Covid-19; các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tăng cường tổ chức các hoạt động tập huấn, huấn luyện chuyên đề về ATVSLĐ cho nhân viên y tế trong phòng chống dịch.
Đẩy mạnh các hoạt động có sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động như: tọa đàm, đối thoại, hội thi ATVSLĐ về triển khai chính sách với doanh nghiệp, người lao động về ATVSLĐ; tổ chức giao lưu, thăm quan các mô hình điển hình làm tốt về ATVSLĐ. Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, phòng ngừa TNLĐ, BNN và cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện về ATVSLĐ trong các nghành, nghề có nhiều nguy cơ TNLĐ, BNN như xây dựng, khai khoáng, hóa chất, điện, làm việc trong không gian hạn chế, trong các làng nghề, khu vực phi kết cấu; việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ đặc biệt là thang máy đu quay, tàu lượn tại các khu vui chơi; đo kiểm tra môi trường lao động; công tác huấn luyện về ATVSLĐ đối với người lao động.
Nguyễn Hoàng