Xã hội
Hà Giang: Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo
07:49 AM 02/07/2020
(LĐXHH)- Những năm qua, công tác giảm nghèo, nhất là việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được tỉnh Hà Giang quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo nói chung, hộ nghèo DTTS nói riêng đã giảm đáng kể.
Nhìn lại công tác giảm nghèo bền vững nói chung trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hà Giang ước giảm khoảng 33.163 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 22,53%, giảm 21,12% so với đầu năm 2016 (bình quân mỗi năm giảm 4,2% tỷ lệ hộ nghèo); trong đó 6 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 64,03% xuống còn 34,0%, giảm 30,03% so với đầu năm 2016 (bình quân mỗi năm giảm 6,0% tỷ lệ hộ nghèo); riêng huyện Bắc Mê (huyện mới bổ sung vào huyện nghèo 30a từ năm 2018) giảm từ 38,73% xuống còn 25,89%.
Tính đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người ở Hà Giang đạt 22,8 triệu đồng, tỷ lệ lao động qua đào tạo nâng lên 52,6% (trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 42,8%); số người dân có thẻ BHYT đạt 98,5% và 100% hộ gia đình có người ốm đau được được đưa đi khám chữa bệnh, tỷ lệ huy động trẻ từ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,8%; 91% dân số thành thị được sử dụng nước sạch, 84,7% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 92,3% hộ được sử dụng điện, 57,6% hộ nghèo được tiếp cận thông tin; 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 100% thôn bản có đường đi được xe cơ giới đến thôn. Đến cuối năm đã có trên 4.000 hộ hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở…

Nhờ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, nhiều hộ dân tộc Phù Lá ở huyện Hoàng Su Phù (Hà Giang) đã vươn lên thoát nghèo

Là tỉnh có đông đồng bào DTTS với trên 75 vạn người và 5 DTTS rất ít người, hầu hết bà con sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn, cư trú ở vùng cao, núi đá. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước triển khai đồng bộ các chính sách dành cho hộ nghèo, người nghèo vùng đặc biệt khó khăn, như: Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Quyết định 2085 và 2086… đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh xuống còn 26,73%. Trong đó, đáng chú ý như thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người, giai đoạn 2016 - 2025 đã hỗ trợ sản xuất cho 1.085 hộ mua giống, phân bón, vật tư; mua gia súc, vắc xin; tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất; hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, nâng tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nhà vệ sinh hợp vệ sinh lên 46,6%; hỗ trợ các tổ hợp tác của dân tộc Phù Lá, thôn Bản Máy, xã Bản Máy (Hoàng Su Phì) phát triển sản xuất hiệu quả.
Bên cạnh đó, thực hiện công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc theo chính sách của Trung ương, tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ trang thiết bị cho 40 nhà sinh hoạt cộng đồng; mua sắm nhạc cụ truyền thống, trang phục dân tộc; bảo tồn nghề truyền thống tiêu biểu của dân tộc Pà Thẻn và Phù Lá; duy trì hoạt động các đội văn nghệ tại thôn, bản; hỗ trợ nhân dân học tiếng dân tộc Pu Péo, Phù Lá, Bố Y, Pà Thẻn. Hỗ trợ bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô, Pu Péo, Bố Y, Pà Thẻn, Phù Lá. Hỗ trợ hoạt động lễ hội truyền thống, như: Ngày hội Văn hóa dân tộc Lô Lô và Lễ mừng ngô mới huyện Mèo Vạc; Ngày hội Văn hóa và Tết lúa mới dân tộc Bố Y; Lễ hội Nhảy lửa người Pà Thẻn.
Ngoài ra, công tác bình đẳng giới ở vùng DTTS rất ít người cũng được Hà Giang quan tâm đúng mức. Trung bình mỗi hộ DTTS được hỗ trợ khoảng 26 triệu đồng, đã tác động tích cực đến kinh tế hộ, góp phần quan trọng cải thiện cuộc sống người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Hộ nghèo, cận nghèo theo đề án được phê duyệt là 1.336 hộ; đến nay, đã giảm được 252 hộ.
Thực hiện Chương trình 135, nguồn vốn Trung ương cấp cho tỉnh trên 230 tỷ đồng, được sử dụng vào đầu tư xây dựng 184 công trình ở các huyện vùng cao. Đồng thời, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho các hộ DTTS mua trâu, bò sinh sản, gia súc, gia cầm; cây trồng, vật tư, xây dựng mô hình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi… cho hơn 9.000 hộ. Trong đó, triển khai được 27 mô hình nuôi trâu, bò, dê sinh sản. Thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg về hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, tỉnh đã hỗ trợ cho 3.146 hộ trên địa bàn 10 huyện mua téc đựng nước, nâng tỷ lệ cư dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 84,7%.
Qua nhiều năm thực hiện, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS được bà con đánh giá đây là chương trình hợp lòng dân. Từng nội dung đầu tư, hỗ trợ đều có tác động trực tiếp thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở vùng dân tộc và miền núi; góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, nhất là các xã đặc biệt khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở Lao động – TBXH, cho biết: Thời gian tới, Hà Giang sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, hướng đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người DTTS. Đồng thời, gắn chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho giảm nghèo, đảm bảo người nghèo được thụ hưởng đúng, kịp thời các chính sách của Nhà nước. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn; giảm khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của các hộ dân.​

Chí Tâm