Xã hội
Hà Giang: Đẩy mạnh công tác trợ giúp đột xuất và trợ giúp thường xuyên
04:56 PM 27/06/2022
(LĐXH)- Mặc dù điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn, song thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội, trợ giúp đột xuất cho người dân gặp thiên tai, bão lũ.
Theo Sở Lao động – TBXH tỉnh Hà Giang, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt thiên tai, bão lũ, dịch bệnh Covid-19 gây nhiều thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân, cụ thể đã làm chết 94 người; bị thương 9 người; 29 ngôi nhà bị đổ, sập, trôi, cháy và di dời; 12 nhà ở bị hư hỏng nặng. Trên cơ sở quy định về chính sách trợ giúp xã hội hiện hành, tỉnh đã trợ cấp khẩn cấp kịp thời về nhà ở cho các hộ gia đình bị thiệt hại vì thiên tai; hỗ trợ chi phí mai táng; hỗ trợ người bị thương do tai nạn rủi ro bất khả kháng, bị dịch bệnh với tổng kinh phí là 4.150 triệu đồng.
Người dân Hà Giang gặp nhiều khó khăn trong thơi gian giáp hạt đầu năm
Trong năm, Sở đã thực hiện rà soát cứu đói dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt báo cáo UBND tỉnh trình Chính phủ xuất cấp hỗ trợ gạo cứu đói cho tổng số 8.237 hộ, với 35.892 khẩu 538.380 kg gạo. Vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân thăm, tặng quà cho người nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội nhân dịp Tết Nguyên đán với 101.455 lượt đối tượng được thăm, tặng quà với số tiền là 51.087,9 triệu đồng.
 Thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Sở Lao động - TBXH đã trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành mức chuẩn trợ cấp xã hội trên địa bàn tỉnh 320.000 đồng (cao hơn mức chuẩn Chính phủ quy định là 50.000 đồng, tương ứng cao hơn 18,5%); Nâng mức trợ cấp nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội lên mức 60.000 đồng/người/ngày, cao hơn mức quy định của Chính phủ (theo từng loại đối tượng) từ 12,5% đến 87,5%; Áp dụng mức tối đa hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở quy định tại tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP để hỗ trợ đối tượng.
 Thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP  của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - TBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, Sở Lao động - TBXH đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND ban hành Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội; đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh Hà Giang được hưởng chính sách trợ giúp xã hội, trong đó: (1) Nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên mức 380.000 đồng/tháng, tăng 20.000 đồng/tháng so với mức chuẩn Chính phủ quy định, tương ứng tăng 5,5%; (2) Nâng mức trợ cấp nuôi dưỡng đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội từ mức 1.440.000 đồng/tháng/đối tượng và mức 1.800.000 đồng/tháng/đối tượng lên một mức thống nhất cho cả hai nhóm đối tượng là 2.470.000 đồng/tháng/đối tượng, tăng từ 670.000 đồng - 1.030.000 đồng so với mức chuẩn Chính phủ quy định, tương ứng tăng từ 37,2% - 71,5%; (3) Bổ sung 04 nhóm đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh chưa quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP được hưởng chính sách trợ giúp xã hội (Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 26/7/2021).
Đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Hướng dẫn số 1617/HD-UBND ngày 05/8/2021 hướng dẫn thống nhất tổ chức thực hiện chính sách trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh trên địa tỉnh.
Trong năm 2021, tổng số đối tượng được giải quyết hưởng chế độ trợ cấp xã hội là 17.788 đối tượng, đưa tổng số đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng trên địa bàn toàn tỉnh lên 42.370 đối tượng (gồm: 854 trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng; 7.998 đối tượng đối tượng người cao tuổi; 13.526 người khuyết tật; 42 người bị nhiễm HIV/AIDS; 1.383 người đơn thân nghèo, cận nghèo nuôi con nhỏ; 3.435 đối tượng nhận chăm sóc nuôi dưỡng tại cộng đồng, 11.908 đối tương trẻ em từ 0 - 3 tuổi; 3.192 người cao tuổi từ 75 - 80 tuổi, 32 đối tượng trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng), tổng số kinh phí chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng là 258.705 triệu đồng. 100% đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội, tỉnh Hà Giang cũng tổ chức nuôi dưỡng chăm sóc 152 đối tượng tại 02 cơ sở trợ giúp xã hội, với số kinh phí đã thực hiện là 4.546 triệu đồng (Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đang chăm sóc, nuôi dưỡng 75 đối tượng, gồm: người già cô đơn không nơi nương tựa 09 cụ, trẻ em mồ côi 62 đối tượng, người khuyết tật không nơi nương tựa 04 đối tượng; Cơ sở Chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần - Cai nghiện ma túy tỉnh đang quản lý 77 đối tượng tâm thần đặc biệt nặng, trong đó: trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho 37 đối tượng, ký kết hợp đồng dịch vụ với Trung tâm Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho 40 đối tượng).
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới, Sở Lao động – TBXH tỉnh Hà Giang sẽ tập trung chủ động tham mưu chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác trợ giúp xã đội dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm; chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị chức năng rà soát, nắm bắt tình hình đời sống nhân dân, đặc biệt là thiệt hại nặng do thiên tai bão lũ, hạn hán, hoả hoạn, dịch bệnh để có phương án trợ giúp kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng. Tổ chức tuyên truyền, tăng cường các biện pháp phòng chống nhằm giảm thiểu tối đa các thiệt hại do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, hạn chế tới mức thấp nhất số người phải cứu trợ đột xuất trong năm. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp trên địa bàn toàn tỉnh.
Cùng với đó là tổ chức triển khai thực hiện các nội dung Đề án Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến 2030. Rà soát, giải quyết kịp thời, đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ và của Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, đặc biệt là các đối tượng người khuyết tật, người cao tuổi không có người phụng dưỡng, trẻ em mồ côi; thực hiện nhân rộng hình thức nhận chăm sóc và nuôi dưỡng tại cộng đồng theo quy định./.
 Hồng Phượng