Xã hội
Hà Giang: Chung tay hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
04:37 PM 23/11/2019
Hà Giang là tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn, đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài, địa hình hiểm trở, trình độ dân trí còn thấp, tình trạng mua, bán người (MBN) diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Để chung tay phòng, chống MBN, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Tại nhiều cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; tỉnh, các cơ quan chức năng đều chỉ rõ công tác phòng, chống tội phạm MBN hiện gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng MBN hoạt động ngày càng tinh vi, manh động và thường có yếu tố người nước ngoài; địa bàn xảy ra các vụ việc thường ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; nạn nhân thiếu việc làm, không có thu nhập, nhẹ dạ, cả tin và thiếu kỹ năng phòng, chống tệ nạn xã hội…
Giai đoạn 2016-2018, toàn  tỉnh Hà Giang đã phát hiện 34 vụ/45 đối tượng có hành vi mua bán người với 54 nạn nhân bị mua bán; Thụ lý điều tra 24 vụ/35 bị can; Phối hợp trao trả và giải cứu được 1.552 nạn nhân. Còn tính riêng lực lượng BĐBP Hà Giang, trong 5 năm trở lại đây (từ 2013 đến 2018) đã đấu tranh, triệt phá thành công 19 chuyên án mua bán người, bắt và xử lý 105 vụ/46 đối tượng, giải cứu thành công 98 phụ nữ, trẻ em về đoàn tụ với gia đình.
Nạn nhân thôn Nà Trang, xã Yên Định (Bắc Mê) bị lừa bán sang Trung Quốc, may mắn được trở về với gia đình.
Với quyết tâm đẩy lùi tội phạm MBN; những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, triển khai hiệu quả nhiều giải pháp: Các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch về công tác phòng, chống MBN; Sở LĐTB&XH phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị tập huấn về công tác phòng, chống MBN cho hàng trăm lượt cán bộ cơ sở; duy trì 24/24 giờ số điện thoại đường dây nóng phòng, chống MBN tại Hà Giang và T.Ư, trong quý III.2019 đã tiếp nhận và xử lý trên 100 cuộc gọi đến, giúp các lực lượng chức năng nắm bắt và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan; chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội tỉnh chuẩn bị cơ sở vật chất cho công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị bán từ nước ngoài trở về; phối hợp với Tổ chức trẻ em Rồng Xanh thống nhất kế hoạch triển khai Dự án Phòng, chống MBN tại tỉnh; phối hợp các ngành, UBND các huyện tổ chức tư vấn tuyển sinh cho các nạn nhân MBN và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tham gia học nghề, nghiệp vụ khách sạn, nhà hàng. Lực lượng Công an tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tội phạm MBN tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, nhằm nâng cao nhận thức và giúp người dân cảnh giác với thủ đoạn, tội phạm MBN; phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hàng chục vụ việc với hàng chục đối tượng có hành vi MBN; phối hợp trao trả và giải cứu hàng nghìn trường hợp phụ nữ bị mua, bán sang Trung Quốc. Hội LHPN các cấp thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông nhằm tuyên truyền, trang bị các kiến thức về âm mưu, thủ đoạn của những kẻ MBN và trang bị kỹ năng phòng, chống tội phạm MBN tới đông đảo hội viên; thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả hàng trăm câu lạc bộ phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại cộng đồng như: “Phụ nữ tìm hiểu pháp luật”, “Phòng, chống các tệ nạn xã hội”, “Không có bạo lực gia đình”, “Không có người thân nghiện ma túy và vi phạm pháp luật”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với không tệ nạn xã hội”, “Trách nhiệm và chia sẻ”; các tổ “Phụ nữ tự quản, bảo vệ đường biên mốc giới” tại 34 xã biên giới; tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia các hoạt động phòng, chống MBN; tư vấn cho phụ nữ có dự định kết hôn với người nước ngoài; hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn để ổn định cuộc sống; trực tiếp hỗ trợ nạn nhân về tư vấn pháp lý, tư vấn việc làm, học nghề, vay vốn. UBND các xã, phường, thị trấn thành lập trên 1 nghìn “Địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng, kịp thời giúp đỡ trẻ em, phụ nữ, đối tượng yếu thế bị bạo hành, xâm hại, nạn nhân bị mua bán trở về.
Bên cạnh đó, Các cấp Hội trong tỉnh cũng đã xây dựng, nhân rộng và duy trì có hiệu quả hoạt động của 178 câu lạc bộ “Phụ nữ tìm hiểu pháp luật”, “Phụ nữ với pháp luật và đời sống”, “Phòng, chống mua bán người”; 79 tổ Phụ nữ tự quản về an ninh trật tự", “Hội nàng dâu tự quản”. Đồng thời, phối hợp với Công an và các đoàn thể địa phương xây dựng mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự”, “Thôn bình yên không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, Thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc, phát triển toàn diện”... và thành lập được 1.052 “Địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng, với mục đích kịp thời giúp đỡ nạn nhận bị bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán trở về như tư vấn, giải quyết các mâu thuẫn, bất hòa trong hôn nhân, gia đình.
Tính đến năm 2019, Hà Giang đã tiếp và tham vấn 126 ca liên quan đến mua bán người với các nội dung như tư vấn tâm lý, ổn định tinh thần, tránh mặc cảm, tự ti và tham gia tố giác tội phạm; tư vấn kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người, hôn nhân và gia đình, tư vấn tâm lý cho gia đình có nạn nhân bị mua bán; liên hệ với các tổ chức, cá nhân để giúp đỡ các nạn nhân bị mua bán; hỗ trợ và giới thiệu chuyển tuyến 05 nạn nhân về Ngôi nhà Bình Yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển Hội LHPN Việt Nam.
Với những cách làm hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực, các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã góp phần không nhỏ vào công tác phòng, chống MBN; cùng toàn xã hội ngăn ngừa, làm giảm tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em; chung tay vì một cộng đồng không còn nạn MBN.
Duy Hưng