Lao động
Gương sáng xuất khẩu lao động tại Hà Nội
02:24 PM 24/11/2017
(LĐXH)- Những năm qua, chủ trương xuất khẩu lao động, trong đó có Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc (gọi tắt là Chương trình EPS) là một cơ hội tốt cho những người lao động muốn vươn lên khá giàu, là giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở Hà Nội.
Tại hội chợ dành riêng cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Lao động – TBXH Hà Nội) tổ chức, chúng tôi gặp rất nhiều tấm gương là người lao động của thành phố hồi hương đúng hạn khi hết hợp đồng. Bằng cách đi xuất khẩu lao động, nhiều người đã vươn lên trở thành những gia đình khá giàu nhờ biết sử dụng số tiền tích góp được, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm mới. Ngoài số lao động đi làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn đã tự tạo việc làm, hoặc bằng vốn tích luỹ của mình đã khởi nghiệp thành công, đối với những lao động mà chưa tái nhập cảnh trở lại, hoặc có nhu cầu tìm kiếm một công việc phù hợp tại Việt Nam, Sở Lao động – TBXH đã giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với một số cơ quan liên quan tổ chức các phiên giao dịch và hội chợ việc làm dành cho lao động về nước đúng hạn.
Hiện nay, rất nhiều lao động của Hà Nội đi làm việc theo Chương trình EPS đã có ý thức về nước đúng hạn
Anh Nguyễn Văn Lương (27 tuổi, quê Quốc Oai, Hà Nội), chia sẻ: Mình chọn thị trường Hàn Quốc đi xuất khẩu lao động bởi mức lương cao, nếu có chăng gặp rủi ro hay tai nạn lao động thì các công ty Hàn Quốc hỗ trợ mức bảo hiểm khá cao và có các chế độ dãi ngộ tốt... Sang Hàn Quốc, mình làm công nhân may ghế ôtô với mức lương 1.300 USD/ tháng, số tiền tích lũy hai năm đầu dành để trả nợ, năm thứ ba thì gửi tiền về sửa sang nhà cửa và dành dụm ít vốn làm ăn sau này. Năm 2017, khi hết hạn hợp đồng phải về nước, mình quyết định về nước để tìm kiếm cơ hội cho tương lai. Hiện tại, mình đã qua khâu sơ tuyển vào làm việc tại một doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng, mức thu nhập này không cao bằng khi làm việc cho doanh nghiệp tại Hàn Quốc, nhưng cũng vẫn có thể chấp nhận được vì công việc phù hợp với khả năng chuyên môn mà lại được ở gần gia đình.
Anh Bùi Tuấn Lâm (34 tuổi ở xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), cho biết: Nhiều lao động vì lợi ích trước mắt mà bất chấp pháp luật ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp, nhưng họ không biết rằng đã tự đưa mình đối mặt với những rủi ro khó lường hết được. Ngoài việc bị truy quét, bắt giữ gắt gao của cơ quan chức năng phía Hàn Quốc, nhiều chủ sử dụng lao động bất hợp pháp còn chậm trễ tiền lương khiến lao động Việt Nam có nguy cơ mất hết tài sản, nếu bị bắt, quyền lợi của họ bị xem nhẹ. Đặc biệt, việc cư trú bất hợp pháp đã làm liên lụy, ảnh hưởng đến nhiều lao động khác của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng có nhu cầu xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.
Khác với anh Lương và anh Lâm, đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS được 5 năm, chị Nguyễn Thị Trâm ở xã Tây Đằng (huyện Bà Vì) không đi tìm việc làm sau khi trở về nước mà lại lựa chọn con đường mở dịch vụ kinh doanh, buôn bán. Với số vốn tích cóp được ở Hàn Quốc, chị Trâm mở cửa hàng bán cà phê ở quê nhà, nhưng do việc kinh doanh không thuận lợi, chị buộc phải đóng cửa hàng và đến hội chợ việc làm tìm một công việc khác mong sao có thu nhập ổn định hơn. Tại đây, chị gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp Hàn Quốc và được tuyển dụng vào làm phiên dịch cho một công ty của Hàn Quốc với mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Qua khâu sơ tuyển vào làm cho Công ty Samsung Điện tử Việt Nam Thái Nguyên tại hội chợ việc làm dành cho lao động EPS về nước vào giữa tháng 10 vừa qua, Trần Văn Dũng (26 tuổi ở thôn Cẩm An, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội), trao đổi: Ngay từ khi sang Hàn Quốc, mình đã xác định là không ở lại nước sở tại khi hết hạn hợp đồng lao động, nên sau 5 năm mình đã về nước để tìm kiếm công việc phù hợp và được ở gần gia đình hoặc có nhiều cơ hội để tái nhập cảnh trở lại. Về Việt Nam mình thầy rất nhiều doanh nghiệp ở Hàn Quốc đến đầu tư, họ rất mong muốn và có nhu cầu và ưu tiên tuyển dụng những lao động Việt Nam đã làm việc lâu năm tại Hàn Quốc. Với kinh nghiệm đi làm việc tại Hàn Quốc, mình tin rằng khi hết hạn hợp đồng về nước sẽ tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định và nhất là có điều kiện ở gần gia đình chăm sóc con cái.
Còn rất nhiều tấm gương là người Hà Nội đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc về nước đúng hạn mà chúng tôi được gặp gỡ, trao đổi tại 2 hội chợ việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức trong năm 2017. Song qua khảo sát nhanh tại hội chợ việc làm, tịu chung nhiều lao động đã có ý thức tự giác hoàn thành nghĩa vụ về nước đúng hạn. Đa số lao động từ Hàn Quốc về thường có tay nghề tốt, tác phong làm việc chuyên nghiệp và có vốn tiếng Hàn, nên họ hòa nhập nhanh hơn và có thể cập nhật các công nghệ mới mà các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam đưa ra.

Chí Tâm