Sức khỏe - Đời sống
GS.TS Nguyễn Anh Trí: Tập trung trí tuệ, chất xám để phục vụ bệnh nhân
10:46 AM 21/01/2019
(LĐXH) Trước thềm năm mới 2019, giữa bộn bề công việc, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Đại biểu Quốc hội, GS. TS Nguyễn Anh Trí đã có cuộc trao đổi cởi mở, thân tình với chúng tôi về công việc chuyên môn, về cuộc sống thường ngày và cả “bí quyết” để giữ gìn sức khỏe của ông.
Cả cuộc đời gắn bó với ngành y, sau khi nghỉ hưu ở Viện huyết học TW, công việc chính của GS hiện nay là gì?
Hiện tại tôi có những nhóm công việc sau: Thứ nhất tôi là chủ tịch Hội đồng cố vấn Bệnh viện Medlatec. Nhóm công việc thứ hai: Hiện nay tôi đang là một đại biểu Quốc hội. Nhóm công việc thứ ba: Tôi là Chủ tịch Hội đồng cố vấn công viên di sản và Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện tôi vẫn đang nghiên cứu và là chủ nhiệm nhóm đề tài cấp nhà nước và đang hướng dẫn cho các nghiên cứu sinh. Còn một nhóm công việc khác nữa là tôi vẫn đang sang tác các ca khúc, làm thơ…
Cơ duyên nào khiến ông quyết định thành lập bệnh viện Medlatec?
Chuyện bắt nguồn từ thời tôi mới đi học ở Nhật về, bạn bè đồng nghiệp tôi nhiều người là bác sĩ nghèo, tiền lương không đủ ăn, muốn lo cho con bữa cơm có thịt cũng khó. Mà họ đều là những người giỏi, say sưa cống hiến cho nghề nghiệp. Thế nên tôi đã cùng với 5 người bạn sáng lập ra bệnh viện này với khát vọng thoát nghèo.
Ban đầu, chúng tôi chỉ lập ra một cái labo và làm thuê cho Bệnh viện Đa khoa Tràng An. Chúng tôi dùng sức mình để kiếm tiền, chứ không ai phải bỏ ra một đồng vốn nào. Công việc rất thuận lợi, labo của chúng tôi phát triển chóng mặt, đến mức tôi cũng bất ngờ. Và khi nó phát triển nhanh như thế, thì tôi lại vạch thêm những chiến lược mới, những tầm nhìn mới.
Bệnh viện cũng đã đưa Công nghệ lấy bệnh phẩm tại nhà học được ở Nhật Bản về áp dụng ở Medlatec – một trong những dịch vụ thành công nhất ở đây.
Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Đại biểu Quốc hội, GS. TS Nguyễn Anh Trí 
phát biểu tại kỳ họp Quốc hội.
 Để điều hành một bệnh viện với đội ngũ nhiều bác sỹ, chuyên gia, nhân viên y tế, ông có gặp nhiều khó khăn không? Văn hóa của Medlatec có điểm gì khác biệt, thưa GS?
Doanh nghiệp của chúng tôi (Bệnh viện Medlatec) không ai lỗ vốn cả, chúng tôi chia ra cho nhau, làm 10 đồng thì chia nhau 6, còn 4 để lại tiếp tục duy trì. Gần như 10 năm không có người quản lý, hôm nay tôi làm việc tôi quản lý, ngày mai anh làm việc anh quản lý, cuối tuần chúng tôi ngồi lại với nhau. Không ai có nhu cầu và không ai có động cơ gian lận, không sợ thua thiệt, thậm chí nếu ai khó khăn bọn tôi dồn hết tiền cho người đó, tạo điều kiện hỗ trợ cho nhân viên khó khăn, đó là điều đặc biệt mà chỉ ở Medlatec mới có được.
Như vậy tuy công việc của ông rất bận rộn, nhưng GS vẫn đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng cố vấn bệnh viện Medlatec?
 Bệnh viện Medlatec đã chạm mốc 23 năm. Trong quá trình xây dựng và phát triển, đến nay bệnh viện đã có đội ngũ y bác sĩ khoảng 1400 người. Bên cạnh đó còn có đội ngũ cộng tác là những chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, do vậy cần có một nhạc trưởng về chuyên môn đưa tất cả về nguồn sức mạnh lớn lao, tập trung khối trí tuệ, chất xám để phục vụ bệnh nhân. Lâu nay bệnh viện thiếu một nhạc trưởng về mặt chuyên môn, nếu biết sử dụng hợp lý sẽ tạo sức mạnh lớn lao. Trên thực tế năm vừa qua do biết phát huy sức mạnh tổng hợp nên bệnh viện đã rất thành công. Việc biết trân trọng những chuyên gia đầu ngành y đã tạo ra khối trí tuệ về chất xám làm việc rất tốt.
Thưa GS, ông giữ nhiều cương vị như vậy thì ông coi đâu là công việc chính, đâu là công việc  phụ?
Với tôi vai nào cũng chính hết, không ảnh hưởng chút nào, thứ nhất là là do sự nhiệt tình với công việc, thứ hai là tôi ý thức được trách nhiệm của mình với công việc, kể cả là khi tôi ngồi trong hội đồng chấm thi, hay là ngồi trong hội trường Quốc Hội phát biểu ý kiến, đòi hỏi mình phải tâm huyết và phải trách nhiệm với những gì cử tri tín nhiệm bầu cho mình. Cho nên tôi thấy không có việc gì đối với tôi là nhỏ cả, thậm chí viết một mẩu tin trên mạng xã hội, tôi cũng viết trách nhiệm. Ngay như việc tôi nâng máy chụp ảnh cho một ai đó tôi cũng phải tận tâm với người chụp.
Do đâu GS lại quyết định xây dựng Trung tâm và Công viên di sản các nhà khoa học?
Medlatec Group hỗ trợ đầu tư thành lập Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam và trung tâm này hiện đặt tại Hà Nội. Còn Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam chúng tôi xây dựng ở Hòa Bình. Cơ duyên đó là lúc tôi làm luận án Phó tiến sĩ, tôi nhờ các thầy là các giáo sư sửa và góp ý, hầu như đó toàn là ý kiến phê bình nhưng tôi biết đó là những ý kiến rất hay để sửa cho chính cuộc đời mình chứ không phải chỉ là trong một luận án. Tôi rất trân trọng và tôi rất muốn giữ lại những điều đó, tôi về tâm sự với vợ tôi và bạn tôi, họ rất ủng hộ.
Từ đó tôi thầm hứa với lòng mình đến khi nào có điều kiện tôi sẽ thành lập một trung tâm di sản để gìn giữ những kỷ vật của các nhà khoa học, các thầy của tôi, kể cả y khoa và các lĩnh vực khác. Tôi hiểu sự đóng góp của các nhà khoa học là hết sức to lớn. Từ đó, trong tôi luôn đau đáu và nung nấu ý định đó. Mãi đến khoảng năm 1993 thì tôi mới có cơ hội thực hiện được tâm nguyện của mình.
Đến năm 1996 chúng tôi mới thành lập được Bệnh viện Medlatec và đến năm 1998 chúng tôi mới nghiêm túc nghĩ đến chuyện này. Nhưng phải mãi đến năm 2004 thì chúng tôi mới bắt tay vào làm các thủ tục pháp lý đầu tiên, và năm 2008 mọi việc mới trở nên suôn sẻ. Từ đó đến nay Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam và Công viên di sản các nhà khoa học đều hoạt động hữu hiệu.
Nhìn lại một năm qua công việc và dấu ấn ông để lại trong năm 2018 là gì, thưa GS?
Năm 2018 tôi đã thực hiện được rất nhiều công việc. Tôi đã dành được nhiều thời gian cho các hoạt động Quốc Hội, cả hai kỳ họp thứ V và thứ VI trong năm nay, hầu như tôi không vắng mặt buổi nào và các ý kiến đóng góp phát biểu của tôi đã được Quốc Hội xem xét, cử tri đồng tình và ủng hộ.
Đối với Medlatec, hơn một năm tôi về làm cố vấn tôi đã tổ chức được một đội ngũ các nhà khoa học các bác sĩ có kinh nghiệm, các giáo sư, phó giáo sư để thật sự nâng cấp chuyên môn của Bệnh viện Medlatec lên. Tôi đã tích cực góp phần đào tạo cán bộ của Medlatec thông qua các buổi giao lưu, thông qua tổ chức lại toàn bộ các hoạt động của Medlatec, đưa những kỹ thuật mới vào Medlatec, truyền cảm hứng cho đội ngũ y, bác sĩ, xây dựng văn hóa, kiến thức, đạo đức …
Trong năm vừa qua Medlatec đã phát triển được thêm 30 địa điểm trên 25 tỉnh thành. Những xét nghiệm của bệnh viện Medlatec đều sử dụng được cho các bệnh viện khác, đó là cả một quá trình 23 năm cố gắng phấn đấu và phát triển. Đó không chỉ là văn hóa Medlatec mà là sự quyết tâm để nâng cấp kỹ thuật, trình độ, chất lượng lên. Khi tôi về đây quản lý mới chỉ có 624 người, mà giờ đã có khoảng 1200 người, chưa kể những chuyên gia y tế đầu ngành trong và ngoài nước cộng tác.
Tất cả những vấn đề về nghiên cứu các đề tài cấp nhà nước cũng như đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên khoa vẫn tiếp tục duy trì đều đặn. Tôi thể hiện quan niệm đi tắt đón đầu, ví dụ như đầu tư hệ thống cộng hưởng từ MRI với công nghệ vượt trội có 5 ưu điểm hơn các máy móc khác. Hệ thống xét nghiệm và chuẩn đoán ung thư của Medlatec được đánh giá cao và các kết quả xét nghiệm của Medlatec đều có thể sử dụng ở các bệnh viện khác, đó chính là sự liên thông giữa các bệnh viện.
Về sự nghiệp sáng tác âm nhạc tôi đã thêm được 5 bài hát mới và một số bài thơ.
Ở tuổi ngoài 60, GS có bí quyết gì về sức khỏe để có thể duy trì lịch làm việc dày đặc như vậy?
Chỉ có sự khác biệt là cách sắp xếp khoa học như thế nào và sức làm việc. Tôi là bác sĩ nên tôi biết giữ mình, không biết có được lâu dài hay không. Nhưng hiện nay, tôi vẫn duy trì cường độ làm việc từ thời thanh niên đến giờ. Tôi ngủ ít, nhưng rất say. Tôi không nghiện thứ đồ uống có cồn hay thuốc lá.
Thói quen của tôi là uống trà mướp đắng, buổi tối tôi uống một ly rượu vang đỏ. Tôi không thức quá 12h đêm, thức dậy lúc 5h30 và lại tiếp tục một guồng quay với công việc như thế. Tôi nghiêm túc trong việc giữ gìn sức khỏe và ăn uống.
Với bản thân mình, không có món ăn hay bữa tiệc nào khiến tôi say sưa hay phá bỏ thói quen sinh hoạt của mình. Tôi rất bận nhưng cũng thấy rất thú vị với công việc, mọi người nói nếu về hưu mà không làm gì sẽ chóng già, và buồn. Gia đình tôi cũng không có nhu cầu gì nhiều, gia đình êm ái, hòa thuận.
Những dự định của GS trong năm 2019 là gì?
Tôi tiếp tục quyết tâm làm tròn vai trò của một đại biểu Quốc Hội. Thứ hai là tôi đi theo đoàn giám sát của Ủy ban các vấn đề xã hội để giám sát thực hiện xã hội hóa y tế…
Thảo Lan