Văn hóa - Thể thao
GS.TS Bùi Danh Lưu: Một trí thức tài năng, nhà quản lý tâm huyết của ngành Giao thông Vận tải
01:12 PM 29/12/2020
(LĐXH) Sáng ngày 29/12, tại Hà Nội diễn ra tọa đàm “GS.TS Bùi Danh Lưu - Một trí thức tài năng, nhà lãnh đạo và quản lý tâm huyết của ngành Giao thông Vận tải GTVT Việt Nam” nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh (28/8/1935 - 28/8/2020) và 10 năm ngày mất (30/12/2010 - 30/12/2020) của GS.TS Bùi Danh Lưu.

GS.TS Bùi Danh Lưu (còn có tên là Quốc Linh) sinh ngày 28/8/1935 tại xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, xuất thân trong một gia đình nho học.
Năm 1976, sau khi du học ở Tiệp Khắc về với tấm bằng Phó tiến sĩ, ông được đảm nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật GTVT. Suốt 4 năm ở đây, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ông vẫn hoàn thành xuất sắc nhiều công trình khoa học, nhiều đề tài nghiên cứu của ông đã được ứng dụng vào thực tiễn.
Tháng 10/1982, ông bất ngờ được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Khoa học Kỹ thuật Bộ GTVT và Bưu điện. Chỉ 17 ngày sau, ông được bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ GTVT và Bưu điện. Đây được coi là kỉ lục về đề bạt cán bộ công chức của Việt Nam.
Tháng 6/1986, sau thành tích xây dựng cầu Chương Dương, Thứ trưởng Bùi Danh Lưu bất ngờ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ GTVT và Bưu điện. Từ đó, ông liên tục được tín nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT và Bưu điện. Thời gian ông giữ chức lên đến 10 năm từ 1986 đến 1996.
Tháng 12/1986, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tái đắc cử liên tiếp trong ba khóa VI, VII, VIII.
Tháng 12/1987, tại Đại hội thành lập Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ông được bầu làm Chủ tịch hội và giữ chức vụ này đến khi qua đời (2010). Ông được bổ nhiệm làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cụ bà Trần Thị Quế, vợ cố GS. TS Bùi Danh Lưu,

nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT - Bưu điện và gia đình chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức tại tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, cụ bà Trần Thị Quế, vợ của cố Bộ trưởng Bùi Danh Lưu cảm động chia sẻ: “GS.TS Bùi Danh Lưu là một người chồng, người cha, người ông mẫu mực, là tấm gương cho các con cháu noi theo. Qua cuộc tọa đàm sẽ càng làm cho các con cháu phải tu dưỡng, rèn luyện để trở thành người có ích, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, xã hội”.
Tại tọa đàm, ông Ngô Thịnh Đức - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) Cầu đường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT và các nhà khoa học, quản lý ngành GTVT, các nhà báo, nhà văn đã gắn bó với ngành GTVT đã chia sẻ những đánh giá, ấn tượng, câu chuyện về sự nghiệp, công lao của GS. TS Bùi Danh Lưu đối với sự phát triển ngành.
GS. TS Bùi Danh Lưu được coi là “cha đẻ” cầu Chương Dương và nhiều cây cầu lớn trên cả nước. Những năm 80 của thế kỷ 20, cả Hà Nội chỉ có cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Do làn đường ô tô quá nhỏ nên cảnh ách tắc luôn xảy ra. Vì vậy, việc dựng ngay một cây cầu để vào trung tâm Hà Nội là ưu tiên số một. Lúc đó Bộ GTVT - Bưu điện chủ trương xây dựng một cầu treo công nghệ Nhật Bản, nhưng sau đó Thứ trưởng Bùi Danh Lưu đã đề xuất làm một cây cầu sắt vĩnh cửu, tận dụng khối lượng sắt thép, vật tư làm cầu Thăng Long còn thừa.
Ông đã trực tiếp chỉ huy thi công cầu Chương Dương và chỉ sau thời gian ngắn kỷ lục 1 năm 9 tháng, cầu Chương Dương được khánh thành, vượt tiến độ 12 tháng, chấm dứt hoàn toàn cảnh tắc nghẽn trên cầu Long Biên. Đây là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam không cần có sự trợ giúp kỹ thuật của các kỹ sư nước ngoài. Tại cây cầu này, các kỹ sư cầu đường của Việt Nam tự thử sức mình để có thể tự thiết kế và thi công các cây cầu lớn khác.
Trong 10 năm giữ cương vị Bộ trưởng, GS.TS Bùi Danh Lưu có nhiều quyết sách đổi mới, đưa ngành GTVT vượt qua những khó khăn thời hậu kinh tế bao cấp và phát triển vượt bậc.
Ông nhậm chức Bộ trưởng vào năm 1986. Đó là thời kỳ đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Ngành GTVT - Bưu điện cũng không nằm ngoài bối cảnh chung của đất nước khi đó. Trước tình thế đó, với tầm nhìn chiến lược, Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đưa ra Chương trình 11 điểm phát triển ngành GTVT.
Với vốn tri thức được đào tạo bài bản, tầm nhìn hơn người, với bản lĩnh và tâm huyết dành cho ngành GTVT - Bưu điện, GS.TS, Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đã “vực” ngành giao thông qua khỏi khủng hoảng những năm thập niên 70 - 80 của thế kỷ 20 và bắt đầu có những bước phát triển khởi đầu cho sự bùng phát mạnh mẽ trong thế kỷ sau.
Trước hết đó là hành động “tự phẫu thuật chính mình” thay đổi lớn về ngành GTVT - Bưu điện: Chấm dứt mô hình đơn vị hỗn hợp và tách công tác quản lý khối sản xuất kinh doanh khi cho lập các Cục chuyên ngành - hoàn toàn làm công tác quản lý nhà nước và các Tổng công ty kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm kinh doanh và nộp tiền cho ngân sách. Quyết sách này tác động mạnh trong toàn ngành. Sau khi tách ra, người và nghề duy tu được trả lại đúng tên, nhiều hoạt động được chấn chỉnh hoặc khôi phục trở lại.
Khi đó, nhiều đường liên thôn liên xã nhỏ hẹp, cầu cống tạm bợ, vẫn còn hơn nghìn xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, Bộ trưởng Bùi Danh Lưu trực tiếp phát động Chương trình phát triển giao thông nông thôn theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trên phạm vi cả nước. Cách làm hợp lòng dân được hầu hết các địa phương hưởng ứng nhiệt tình, mang lại hiệu quả cao, cải thiện một bước rất đáng kể bộ mặt giao thông nông thôn. Sau 10 năm ông giữ vai trò Bộ trưởng, đã có thêm gần 1.000 xã được xóa khỏi danh sách chưa có đường ô tô tới trung tâm.
Chính sách táo bạo thứ hai đó là xã hội hóa kinh doanh vận tải, huy động xe tư nhân tham gia vận tải. Và chỉ trong một thời gian ngắn, cung cầu từ hụt hẫng nghiêm trọng trở lại cân bằng, nhân tố quyết định là do các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, chủ yếu là tư nhân đầu tư phương tiện mới chiếm tỉ trọng lên đến 70 đến 80% tham gia kinh doanh vận tải.
Một quyết sách đúng đắn khác của Bộ trưởng Bùi Danh Lưu là chủ trương “lấy đường nuôi đường, lấy công trình nuôi công trình” (thu phí giao thông) để tạo vốn xây dựng và duy tu hạ tầng cơ sở giao thông. Những phương sách này đã tạo tiền đề cho việc triển khai hàng loạt dự án BOT và PPP sau này.
Hay như quyết sách đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đi tắt đón đầu. Vì vậy trong thời Bộ trưởng Bùi Danh Lưu mới có hàng loạt câu lớn đẹp ra đời như cầu Mỹ Thuận, cầu Phong Châu, cầu Đò Quan, cầu Lạc Quần…
Chương trình 11 điểm của Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đã chứng tỏ tầm nhìn chiến lược và tính dự báo cho sự phát triển sôi động GTVT trong kinh tế thị trường đầu thế kỷ 21.
Với những cống hiến vào sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành GTVT nói riêng, đất nước nói chung, GS.TS Bùi Danh Lưu, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT-Bưu điện vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Mỹ Linh