Xã hội
Giới thiệu tài liệu Hướng dẫn phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em dành cho doanh nghiệp
12:25 PM 16/09/2019
(LĐXH) Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng thì việc đáp ứng các tiêu chuẩn và cam kết quốc tế về lao động, đặc biệt là các vấn đề về lao động trẻ em càng cần được các doanh nghiệp chú trọng và thực hiện mạnh mẽ hơn.
Vừa qua, Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (BEA/VCCI) với sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo giới thiệu bộ tài liệu Hướng dẫn phòng ngừa lao động trẻ em dành cho doanh nghiệp.
Tài liệu được xây dựng dựa trên những hướng dẫn của Chương trình Quốc tế về Xóa bỏ Lao động trẻ em (ILO - IPEC) và cập nhật phù hợp với thực tế Việt Nam, giúp doanh nghiệp có góc nhìn tổng quan về lợi ích của việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trong kinh doanh. Đồng thời, tài liệu cũng cung cấp những kiến thức cơ bản để nhận biết thế nào là lao động trẻ em, gợi ý những hành động thiết thực của doanh nghiệp để loại trừ những nguy cơ và hậu quả khi sử dụng lao động trẻ em.
Tài liệu được xây dựng dựa trên những hướng dẫn của Chương trình Quốc tế
về Xóa bỏ Lao động trẻ em và cập nhật phù hợp với thực tế Việt Nam
(Ảnh minh họa)
Tài liệu về Hướng dẫn phòng ngừa lao động trẻ em dành cho doanh nghiệp gồm 4 phần:
- Phần A gồm những nội dung: Mục tiêu, đối tượng của tài liệu; lợi ích của việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em đối với doanh nghiệp; Kết cấu và hướng dẫn sử dụng tài liệu.
- Phần B: Nêu khái niệm thế nào là trẻ em và lao động trẻ em; Những khái niệm cơ bản liên quan đến lao động trẻ em; khi nào công việc do trẻ em thực hiện bị coi là lao động trẻ em.
- Phần C: Doanh nghiệp cần làm gì để phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em gồm các nội dung: Vai trò của doanh nghiệp trong phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; Xây dựng kế hoạch hành động của doanh nghiệp nhằm phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, gồm 7 hành động: Rà soát đánh giá tình hình trong doanh nghiệp và chuỗi cung cứng; Xây dựng cam kết chính sách; Triển khai các biện pháp trong doanh nghiệp; Kiểm soát chuỗi cung cứng; Giám sát đánh giá; Cung cấp thông tin; Huy động sự tham gia trong phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.
- Phần D: Các qui định quốc gia và quốc tế về lao động trẻ em.
Cùng với tài liệu về Hướng dẫn phòng ngừa lao động trẻ em dành cho doanh nghiệp nói trên, BEA/VCCI còn giới thiệu cuốn Quy tắc ứng xử của người sử dụng lao động về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trong các lĩnh vực da giày và may mặc; chế biến thủy sản; chế tác đá và gỗ; thủ công mỹ nghệ (mây tre đan, chiếu cói, thêu ren).
Quy tắc ứng xử này được xây dựng dựa trên cơ sở các ý kiến đóng góp của một số người sử dụng lao động trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và An Giang, Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam của ILO và Văn phòng Giới sử dụng lao động - VCCI.
Quy tắc ứng xử này cũng là tuyên bố của Giới sử dụng lao động, khuyến khích những người sử dụng lao động trong 4 lĩnh vực nêu trên, các địa phương tán thành và triển khai thực hiện, không mang tính pháp lý, không áp đặt bắt buộc đối với các doanh nghiệp.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về quyền trẻ em của Liên Hợp quốc năm 1990. Việt Nam cũng là một trong những nước phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế số 182 (năm 1999) về các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất và số 138 (năm 1973) về độ tuổi tối thiểu. Việt Nam đã và đang cam kết thực hiện các biện pháp để giải quyết lao động trẻ em thông qua việc xây dựng hệ thống luật pháp, chính sách và hỗ trợ thể chế để thực hiện. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã thiết lập một khung pháp lý vững chắc để phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế và thực hiện một số chương trình và dự án để giảm thiểu lao động trẻ em tại các cấp trung ương và địa phương.
Thảo Lan