Sức khỏe - Đời sống
Giới thiệu Sổ tay Sức khỏe người di cư
04:39 PM 19/07/2022
(LĐXH)- Ngày 18/7/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Giới thiệu Sổ tay Sức khỏe Người di cư dành cho lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, Sở Y tế các tỉnh/thành phố, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức làm việc trong lĩnh vực y tế di cư khác; các cán bộ cấp cao của Nhóm Kỹ thuật Sức khỏe người di cư.
Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình Nguyễn Doãn Tú chia sẻ, di cư là một hiện tượng mang tính toàn cầu. Trên thế giới hiện có 281 triệu người di cư trong tổng dân số gần 8 tỷ người, trong đó, phụ nữ di cư chiếm 48% và lao động di cư chiếm 60%. 

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo

Dân số Việt Nam hiện nay là 98 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 66,6 triệu người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), chiếm 68% tổng dân số. Số lượng dân số trong độ tuổi lao động lớn, mang đến nhiều cơ hội cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhưng cũng tác động rất lớn đến các dòng di cư tại Việt Nam. 
Di cư là sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế-xã hội của bất cứ quốc gia nào. Người di cư, nhất là di cư quốc tế thường gặp nhiều khó khăn, thách thức tại nơi đến như rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, sự hiểu biết pháp luật, xa gia đình và người thân. Việc tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ chăm sóc y tế cũng tác động đến cuộc sống, sức khỏe, tinh thần của người di cư. Đây là một trong những nhóm dân số dễ bị tổn thương. Người di cư khỏe mạnh là lực lượng lao động quan trọng cho sức khỏe của doanh nghiệp, sức khoẻ nền kinh tế.

Bà Park Mihyung, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Doãn Tú cho biết, với mong muốn người lao động di cư Việt Nam được khỏe mạnh, an toàn và được cung cấp những thông tin cơ bản về sức khỏe, sức khỏe tinh thần, sức khỏe sinh sản, việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế, các điểm cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, cung cấp bảo hiểm y tế..., Nhóm Kỹ thuật sức khỏe người di cư  Việt Nam (do Bộ Y tế thành lập) có sáng kiến xây dựng cuốn sổ tay sức khỏe người di cư với sự hỗ trợ của Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam. Tài liệu này được các chuyên gia Hàn Quốc, Nhật Bản trực tiếp xây dựng và tham gia góp ý; các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, cơ quan phái cử và người di cư Việt Nam Nhật Bản, Hàn Quốc tham gia.
Sổ tay được xây dựng dưới hình thức hỏi-đáp, ngắn gọn, trực quan, thân thiện, thiết kế bắt mắt do chuyên gia của Nhật Bản, Hàn Quốc thực hiện. Sổ cung cấp thông tin cơ bản về sức khỏe cho lao động Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc, bao gồm: Hệ thống y tế; bảo hiểm xã hội - y tế; an toàn lao động; phòng, chống bệnh truyền nhiễm; sức khỏe sinh sản, tránh mang thai ngoài ý muốn; sức khỏe tinh thần; xây dựng lối sống lành mạnh, khỏe mạnh; thông tin dẫn chiếu tham khảo, hỗ trợ và bảo hộ công dân...
Sổ tay Sức khỏe người di cư cung cấp những thông tin cơ bản về sức khỏe cho lao động Việt Nam, Hàn Quốc.
Sổ tay sẽ có bản điện tử, đăng tải trên các trang mạng của các đơn vị liên quan;  liên tục được cập nhật, sửa đổi thông tin để phù hợp nhất với lao động Việt Nam từng thời kỳ. Trong thời gian tới, Nhóm Kỹ thuật sức khỏe người di cư  Việt Nam sẽ xây dựng sổ tay cho lao động Việt Nam làm việc tại nhiều quốc gia khác trên thế giới...
Bà Park Mihyung, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động ở nước ngoài trong bối cảnh đại dịch COVID-19. IOM đã làm việc với các bên liên quan tại Nhật Bản, Hàn Quốc về thiết lập một nền tảng hợp tác nhằm bảo đảm sức khỏe người di cư Việt Nam và đã nhận được phản hồi tích cực...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến để bổ sung, hoàn thiện cuốn Sổ tay Sức khỏe người di cư. Dự kiến, tài liệu này sẽ được phát hành trên nền tảng internet và được cập nhật thường xuyên, liên tục giúp mang lại thông tin chính xác, hữu ích, dễ tiếp cận nhất cho người di cư, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người di cư Việt Nam tại nước ngoài.
Nhóm Kỹ thuật sức khỏe người di cư Việt Nam do Bộ Y tế thành lập năm 2021 nhằm hỗ trợ kỹ thuật, đóng góp để xây dựng các chương trình liên quan đến di cư, sức khỏe người di cư, thúc đẩy sự tham gia, kết nối, chia sẻ giữa các bên liên quan. Hiện có khoảng 600.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hàng năm, số kiều hối chuyển về trong nước ước đạt 3-4 tỷ USD. Từ năm 2015- 2019, mỗi năm có trên 100.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thảo Lan