Giáo dục - Nghề nghiệp
Giáo viên mầm non “bỏ cuộc chơi” khi còn ở giảng đường
11:16 AM 12/06/2017
Không chờ đến lúc đi làm đối diện với những áp lực thực tế, nhiều sinh viên theo học ngành giáo dục mầm non đã sớm bỏ ngang ngay khi đang ở trường sư phạm.
Lâu nay, đã nhiều hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu giáo viên mầm non (GVMN), nhất là đội ngũ GV trẻ bỏ việc. Ở TPHCM, có thể nói bậc MN đối mặt với thách thức vì tình trạng thiếu trầm trọng GV. Có nhiều trường, hiệu trưởng phải vào lớp xắn tay chăm sóc trẻ vì không có GV đứng lớp.
Việc thiếu GVMN không chỉ vì nhiều GV ra trường bỏ việc mà đang diễn ra tận gốc. Số lượng sinh viên tốt nghiệp Sư phạm (SP) MN ở địa bàn TPHCM không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng thực tế. Không chỉ chờ ra trường đi làm mới bỏ việc, nhiều sinh viên theo ngành MN đã sớm tìm đường lui, bỏ học ngay khi đang ở trường SP.
Không chờ ra trường, nhiều giáo viên tương lai bỏ việc ngay trong quá trình đào tạo
Không chờ ra trường, nhiều giáo viên tương lai bỏ việc ngay trong quá trình đào tạo
Học cao đẳng SP MN đến đầu năm thứ 2, Nguyễn Thị Quyên, ngụ ở Q.5, TPHCM quyết định... bỏ đi học nghề nấu ăn. Quyên cho biết, em thích làm cô giáo dạy trẻ từ nhỏ, học xong 12 em vẫn quyết tâm thi vào SP MN dù nghe rất nhiều lời can ngăn. Học hết năm nhất, Quyên, cô chủ động tìm đường lui.
Cô tâm sự, mình quen biết chị bạn đi dạy được 6 năm nhưng quyết định bỏ việc vì không còn thấy niềm vui trong nghề khi quá nhiều áp lực. Những giáo viên MN Quyên biết hầu hết bị căng thẳng vì công việc, nhiều khi rất khó kiềm chế cảm xúc.
"Một số bạn bè em quen học SP MN cũng bỏ học tìm công việc khác", Quyên khẳng định.
Một GV công tác lâu năm tại Trường mầm non Thành phố 19/5 TPHCM kể, có nhiều sinh viên MN đến trường thực tập, trải nghiệm vài hôm, tâm tư: “Cô ơi, bọn em phải suy nghĩ lại về việc chọn nghề”. Có em nữ sinh ngồi một góc bật khóc: “Em về nói với bố mẹ em bỏ thôi cô, chứ quanh quẩn trẻ khóc, trẻ ị thế này em phát khùng mất”.
Vận động theo nghề nhưng học rồi bỏ
Khi TPHCM đưa đề án giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi, bà Bùi Thị Băng Tuyết, công tác trong ngành MN thuộc Sở GD-ĐT TPHCM đã cảnh báo tình trạng liệu một bạn trẻ mới tốt nghiệp mới ngoài 20 tuổi, lấy đâu khả năng và kinh nghiệm xử lý tình huống để chăm nuôi trẻ nhỏ? Nhất là bây giờ các em toàn con một, con cưng đến việc nhà còn không biết làm nói gì chăm cùng lúc nhiều bé nhỏ. Đây là việc cần cân nhắc để không rơi vào tình trạng sinh viên ra trường là “chạy mất dép” rất lãng phí.
Nguyên hiệu trưởng một trường MN nổi tiếng ở Q.1 chia sẻ, hiện nay để một bạn trẻ quyết định chọn theo nghề SP MN phải nói là một... kỳ tích. Bây giờ toàn con vàng con bạc, ngay cả các em ở quê cũng được bố mẹ phục vụ tận răng nên để các em chọn nghề... đổ bô cho trẻ và đủ kiên nhẫn để theo nghề là rất khó.
Nhưng thực tế, không chờ ra trường đi làm, sinh viên ngành MN “rụng” ngay khi đang học. Mới đây, TPHCM đã đưa ra con số giật mình về việc sinh viên ngành MN bỏ học, con số đầu vào cũng hoành tràng nhưng... số ra trường còn không nổi một nhúm.
Cụ thể, năm 2014, chỉ có 1.056 sinh viên ở tất cả các hệ đào tạo (Trung cấp, CĐ, ĐH) ở TPHCM tốt nghiệp trong khi đầu vào nhập học là hơn 4.500 em. Trong đó, hệ trung cấp có trên 3.570 em nhập học nhưng chỉ có 229 em tốt nghiệp.
Trung bình tỷ lệ sinh viên SP MN tốt nghiệp/nhập học 3 năm đổ lại đây của TPHCM ở hệ Trung cấp chỉ đạt 28,9%, hệ CĐ 79,8%.
Nhiều năm gần đây, TPHCM đang áp dụng mọi cách để giữ chân GVMN cũng như khuyến khích các bạn trẻ chọn SP MN. Học sinh được tổ chức để đến các trường MN giao lưu, tìm hiểu trực tiếp về công việc của GV. Tín hiệu ban đầu cho thấy đã nhiều nữ sinh quan tâm đến công việc này trong định hướng nghề nghiệp của mình nhưng sinh viên bỏ ngang trong quá trình đào tạo lại là một thách đố chưa tìm nổi lời giải.
Điều này làm TPHCM vẫn phải đối mặt với thực trạng thiếu nguồn tuyển GVMN so với nhu cầu. Ngoài ra, các trường SP cũng gặp khó khăn trong quá trình đào tạo khi người học rơi rụng còn các bạn trẻ bị lãng phí thời gian, tiền bạc, tuổi trẻ cho việc định hướng sai ngành học.
Theo Dân trí