Giáo dục - Nghề nghiệp
Giáo dục nghề nghiệp kết nối thị trường lao động và việc làm bền vững trong tình hình mới
03:01 PM 10/01/2022
(LĐXH) - Phát triển giáo dục nghề nghiệp mở, hướng tới việc làm bền vững là một trong những vấn đề quan trọng và bức thiết rất cần sự tham gia đóng góp kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà giáo, doanh nghiệp, người lao động… Với mục tiêu rỡ bỏ những rào cản về pháp lý, kỹ thuật, tài chính, tạo điều kiện thuận lợi, công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người về cơ hội tiếp cận với các dịch vụ bao gồm: Học nghề - Khởi nghiệp - Việc làm bền vững... trong trạng thái bình thường mới…
Kỳ 4: Những định hướng “chiến lược”
 
Hằng năm, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Cục Việc làm thường xuyên phối hợp và ký kết biên bản công tác đồng thời các bên đưa ra những ý kiến mang tầm định hướng chiến lược về giá trị của sự kết nối giữa GDNN – Thị trường lao động – Việc làm bền vững…
Giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững hai yếu tố quyết định cho an sinh xã hội
Là hai đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nên Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Cục Việc làm đều có chức năng tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Giáo dục nghề nghiệp có nhiệm vụ đào tạo lực lượng lao động cho thị trường việc làm, do vậy việc đào tạo phải đảm bảo phù hợp với thị trường. Cục Việc làm có chức năng quản lý nhà nước về việc làm, hỗ trợ tạo việc làm… sẽ là đầu mối giúp giáo dục nghề nghiệp đánh giá chất lượng của lực lượng lao động, hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường lao động, việc làm…
Vai trò trong việc trang bị kỹ năng nghề và tạo việc làm trong mỗi nền kinh tế quốc dân là không cần bàn cãi, chính vì vậy cần thúc đẩy hợp tác giữa hai cơ quan bằng một kế hoạch tổng thể cho giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó có lộ trình thực hiện, chi tiết cho từng nhiệm vụ, cho từng năm. Với nhiệm vụ một bên là xây dựng cơ chế, chính sách tạo việc làm, một bên là nghiên cứu, đề xuất nâng cao chất lượng, trang bị kỹ năng nghề cho nguồn nhân lực.
Nói cách khác, hai cơ quan này chính là “đầu vào và đầu ra” trong thị trường lao động và nó có tác động qua lại, khép kín. Giáo dục nghề nghiệp cung cấp nhân lực cho thị trường lao động và khi thị trường lao động thay đổi thì lực lượng lao động cũng cần phải đào tạo lại và lại là đầu vào của giáo dục nghề nghiệp…
Từ thực tế này, trước tiên cần có sự đổi mới mạnh mẽ về hoạt đông của các đơn vị thuộc lĩnh vực quản lý như các trung tâm giới thiệu việc làm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp… để đảm bảo gắn kết hài hòa, hướng tới đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người lao động, người học nghề cũng như sự kết nối các hoạt đồng đào tạo, giáo dục nghề nghệp với thị trường lao động và việc làm. Trong quá trình triển khai thực hiện sửa Luật Việc làm, hay quá trình triển khai xây dựng các đề án có nhiều nội dung liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, cần có sự phối hợp giữa các bộ phần chuyên môn của hai cơ quan để cùng thống nhất nội dung đưa vào đảm bảo tính hợp lý, khoa học; nhất là đối với quỹ như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp,  Quỹ vốn vay xóa đổi, giảm nghèo…
Bên cạnh đó, việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm bền vững cũng cần hình thành cơ chế cung cấp thông tin về nhu cầu lao động qua đào tạo của doanh nghiệp cho cơ quan quản lý nhà nước, làm cơ sở cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu về cung cầu đào tạo, dự báo nguồn nhân lực. Chú trọng công tác hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên và việc đào tạo đội ngũ cán bộ đảm trách nhiệm vụ hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở GDNN và các trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; chú trọng gắn kết đào tạo với xuất khẩu lao động; Đẩy mạnh truyền thông về việc gắn kết GDNN với thị trường lao động, trong đó  tập trung xây dựng các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền, đưa các thông tin liên quan đến GDNN trên các phương tiện thông tin đại chúng gới thiệu những mô hình, cách làm hiệu quả và nhân rộng trên toàn quốc...
Giai đoạn 2021-2025, phát triển giáo dục nghề nghiệp được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Chính vì vậy, những chính sách, giải pháp cùng chiến lược mang tầm vĩ mô là không thể thiếu,  bên cạnh đó những yếu tố như môi trường, tác phong công nghiệp hay văn hóa ứng xử trong các trường, các cơ sở GDNN cũng là những yếu tố quyết định cho sự thành công khi mà Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2030 là quốc gia có thu nhập cao và năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại.../.
Nguyễn Hữu Bắc