Lao động
Giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động và việc làm bền vững
02:14 PM 08/11/2019
(LĐXH) - Thời gian tới, định hướng phát triển GDNN theo hướng áp dụng quản trị tiên tiến; chuyển đổi hoạt động của các cơ sở GDNN công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán như doanh nghiệp; đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước và xã hộ...
Tạo điều kiện cho các cơ sở GDNN được tự chủ
Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động có hiệu quả, có khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì tiếp tục triển khai thực hiện đào tạo theo quy định hiện hành sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030.
Tùy theo mức độ, các cơ sở GDNN công lập được tự chủ toàn diện hay một phần về hoạt động chuyên môn, về tổ chức nhân sự và về tài chính theo lộ trình. Các cơ sở GDNN tự chủ được quyền chủ động trong đăng ký hoạt động; xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức đào tạo, liên kết đào tạo và tổ chức nghiên cứu khoa học. Được phép quyết định thành lập mới, tổ chức lại, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị trực thuộc; được thành lập các đơn vị liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với đào tạo; được thuê, cho thuê cơ sở vật chất thiết bị hiện có nhằm phục vụ đào tạo hoặc nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị. Được quyết định về quy hoạch phát triển nhân sự, đội ngũ nhà giáo của mình, được quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, số lượng người làm việc; được bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh lãnh đạo của đơn vị trực thuộc. 
Về các khoản thu, mức thu tùy theo mức độ tự chủ theo quy định của pháp luật theo nguyên tắc giá dịch vụ sự nghiệp công GDNN; được giao tự chủ để chi thường xuyên; được chủ động sử dụng các quỹ, mức trích cụ thể về việc sử dụng các quỹ theo quy định. Đồng thời, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các quyết định thực hiện quyền tự chủ về hoạt động chuyên môn, tổ chức, nhân sự và tài chính của đơn vị; tổ chức, thực hiện quản lý, sử dụng viên chức theo quy định của pháp luật về viên chức; cam kết và chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng dịch vụ GDNN theo các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cùng hoạt động chuyên môn được áp dụng cho cả các cơ sở GDNN tư thục và cơ sở GDNN có vốn đầu tư nước ngoài đạt chuẩn kiểm định. 
...và gắn kết vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp với sự phát triển nguồn nhân lực
Từng bước hình thành cơ chế cung cấp thông tin về nhu cầu lao động quua đào tạo của doanh nghiệp cho cơ quan quản lý nhà nước, làm cơ sở cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu về cung cầu đào tạo, dự báo nguồn nhân lực. Rà soát, triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động GDNN, đồng thời nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách mới thúc đẩy doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN. Thí điểm thành lập các tổ công tác gắn kết GDNN với doanh nghiệp tại một số địa phương với thành phần là đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước về GDNN. 
Thực hiện các chương trình phối công tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với các cơ quan, tổ chức có liên quan về gắn kết với doanh nghiệp; tiếp tục ký kết các chương trình phối hợp công tác giữa Tổng cục với các hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong việc gắn kết giữa đào tạo với doanh nghiệp tạo điều kiện để các cơ sở ký kết các hợp đồng đào tạo theo đơn đặt hàng; doanh nghiệp tham gia từ khâu tuyển sinh, xây dựng chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, thực hành, thực tập, đánh giá kết quả và tuyển dụng người học sau khi tốt nghiệp...
Hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở GDNN và các trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; chú trọng gắn kết đào tạo với xuất khẩu lao động. Nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án với các tổ chức quốc tế trong hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp; thí điểm cơ chế tổ chức hoạt động của các hội đồng kỹ năng ngành/ban tư vấn chất lượng trong khuôn khổ các dự án làm cơ sở để thể chế hóa mô hình này trong các quy định pháp luật. Đẩy mạnh truyền thông về việc gắn kết GDNN với thị trường lao động...
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có một số giải pháp khác như  tiếp tục chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hệ thống GDNN; tổ chức, quản lý đào tạo tiên tiến; Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về GDNN;  Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN; thúc đẩy xã hội hóa GDNN;  Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước về GDNN. Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức của ngành làm công tác quản lý nhà nước về GDNN theo hướng hiện đại. Xây dựng cơ chế để người học và người sử dụng lao động chủ động tham gia vào công tác đánh giá chất lượng đào tạo; Xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh hình thức vừa làm, vừa học của người lao động trong các doanh nghiệp…/. 
NHB