Lao động
Giao ban công tác Lao động – Người có công và Xã hội: Tập trung thực hiện 3 đột phá
08:52 AM 26/04/2019
(LĐXH) - Ngày 25/4/2019, tại TP Cần Thơ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị giao ban Công tác Lao động, Người có công và Xã hội. Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng LĐ-TB&XH chủ trì hội nghị.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị 

Tham dự hội nghị còn có các đồng chí Thứ trưởng: Doãn Mậu Diệp, Lê Tấn Dũng, nguyên Thứ trưởng Huỳnh Văn Tý; bà Võ Thị Hồng Ánh – Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cùng lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ và lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH của 63 tỉnh thành trên cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Công tác của ngành đã triển khai qua 4 tháng tuy đã đạt những kết quả tích cực nhưng buổi giao ban hôm nay trên tinh thần khẩn trương, thẳng thắn bàn nhiều vấn đề nhằm thực hiện nhiều nhiệm vụ cũng như giải pháp để công việc được nhanh hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt là thực hiện 3 đột phá của ngành, gồm: Xây dựng thể chế, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phát triển thị trường lao động cũng như 2 ưu tiên về giải quyết tồn đọng trong xác nhận, công nhận người có công với cách mạng và tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.  …

Thứ Trưởng Doãn Mậu Diệp trình bày báo cáo tại Hội nghị 

Tại hội nghị, Thứ Trưởng Doãn Mậu Diệp đã trình bày báo cáo về kết quả 4 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm trong 8 tháng năm 2019 về công tác lao động người có công và xã hội.  Theo đó,  năm 2019 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 -2020. Trong quý I, nền kinh tế trong nước tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực, tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, theo dự báo, tình hình kinh tế - xã hội còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, ảnh hưởng đến nước ta. Trong bối cảnh đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng phải đối mặt với những thách thức như: thị trường lao động đối mặt với nguy cơ thừa lao động trình độ, kỹ năng thấp nhưng lại thiếu lao động trình độ cao cho cuộc cánh mạng 4.0; xu hướng đô thị hóa và di cư của người dân tạo sức ép lớn về hạ tầng, môi trường và an sinh xã hội; chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, đặc biệt là khu vực nông thôn; biến đổi khi hậu tác động đến nhiều mặt của đời sống người dân, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội…

Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, toàn ngành đã thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động, giải quyết việc làm và XKLĐ, ước 4 tháng đầu năm cả nước đã tuyển sinh trên 490.000 người. Trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp gần 63.000, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác trên 427.000. Theo dõi, nắm bắt tình hình lao động để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cung ứng lao động, không để xảy ra tình trạng thiếu lao động, nhất là sau tết; triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ tạo việc làm; phát triển thị trường lao động trong và ngoài nước; ước 4 tháng giải quyết việc làm cho trên 484.000 lao động; đưa trên 44.000 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị quý 1 là 3,11%.

Toàn cảnh Hội nghị

Các nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, tiền lương, cải thiện quan hệ lao động, quản lý người lao động đang làm việc tại Việt Nam; thực hiện ưu đãi người có công với cách mạng; bảo trợ xã hội; bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới; phòng chống tệ nạn xã hội; cải cách hành chính; kiện toàn tổ chức bộ máy; hợp tác quốc tế; thanh tra, kểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí… đều được triển khai đồng bộ và có nhiều tiến bộ so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, các lĩnh vực công tác của ngành cũng còn những tồn tại, hạn chế: Công tác quản lý lao động và dự báo cung - cầu lao động còn hạn chế; ý thức tuân thủ pháp luật lao động - việc làm của một số người sử dụng lao động và người lao động còn chưa cao, ảnh hưởng đến thực thi pháp luật. Vẫn còn tình trạng người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài bỏ hợp đồng, nhất là tại Đài Loan. Đối tượng tham gia BHXH có tăng nhưng tốc độ còn chậm; tình trạng nợ đọng, chây ỳ đóng BHXH vẫn tiếp diễn làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành, nghề đào tạo, chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau sắp xếp ở các địa phương. Còn nhiều trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước thương tâm; tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em gia tăng so với cùng kỳ 2017. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.

Vì vậy, để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu trong những tháng còn lại, Bộ yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Lao động - TBXH thực hiện nghiêm túc phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”, bám sát thực tiễn của từng lĩnh vực, từng địa phương, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2019, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng các đề án đảm bảo chất lượng, tiến độ theo Chương trình công tác năm 2019 của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và của Bộ. Tập trung chỉ đạo thực hiện phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, năm 2019: Trọng tâm là đột phá về nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động đồng bộ và hiệu quả, ưu tiên thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội và giảm nghèo. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, hợp tác quốc tế.

Các đại biểu  nêu ý kiến và kiến nghị tại Hội nghị  giao ban

Về những vấn đề thắc mắc liên quan đến công tác lao động, người có công và xã hội của các địa phương nêu ra tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị: Cục Người có công,  Cục trẻ em, Cục Việc Làm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Vụ kế hoạch – Tài chính, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp  giải đáp một số vướng mắc cũng như các kiến nghị, đề xuất của các địa phương một cách cụ thể, rõ ràng và hướng dẫn các địa phương vận dụng các văn bản liên quan để giải quyết. 

Phát biểu kết luận Hội nghị,  Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành trong 4 tháng đầu năm 2019, tuy nhiên cũng cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thúc đẩy công việc, làm sao để chúng ta phấn đấu hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong chương trình công tác năm 2019. Đặc biệt là những vấn đề mới, những vấn đề lớn theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ và các nghị quyết của Chính phủ.

Nhiều kiến nghị được các đại biểu nên lên tại Hội nghị

Bộ trưởng cũng dự báo từ nay cho đến hết tháng 12 chắc chắn các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ sẽ có nhiều vấn đề mới liên quan đến ngành. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị với một tinh thần quyết liệt từ nay đến hết năm các địa phương cùng với các cục, vụ các đơn vị của bộ phải phát huy mạnh mẽ hơn tinh thần đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo hiệu quả và tạo ra những bứt phá mới trong công việc của mình.

"Tất cả các đơn vị làm sao để năm 2019 các công việc trên từng lĩnh vực phải tốt hơn năm 2018 như tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Hiện các đơn vị, các địa phương cũng đang tiến hành xây dựng các báo cáo, văn kiện Đại hội đảng các cấp, do đó từng đơn vị  cần chú ý suy nghĩ các giải pháp, các nội dung để đưa vào trong chương trình mới" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Lê Việt