Xã hội
Giảm nghèo bền vững nhằm đảm bảo an sinh xã hội ở Lai Châu
03:34 PM 13/11/2018
(LĐXH) - Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nghèo bền vững tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020, đã có 2/5 mục tiêu đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra, các mục tiêu còn lại dự ước sẽ hoàn thành vào năm 2020. Trong đó, nổi bật là tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,95%/năm (Nghị quyết từ 3 – 4%/năm). Kết quả đó là nhờ sự quan tâm, triển khai quyết liệt nhiều chương trình, giải pháp hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Xác định công tác giảm nghèo là điều kiện tiên quyết để đưa cuộc sống của người dân đi lên, hàng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, UBND tỉnh Lai Châu đã giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các huyện, thành phố và giao chỉ tiêu nguồn vốn từ lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án để tổ chức thực hiện; ban hành kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các chương trình, dự án về giảm nghèo tại các huyện, thành phố. Tổng kinh phí lồng ghép từ các chương trình, đề án thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 -2018 là 4.539.307 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 3.231.460 triệu đồng, ngân sách địa phương 139.488 triệu đồng, vốn tín dụng là 1.139.035 triệu đồng, vốn khác là 29.324 triệu đồng. Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết đảm bảo nội dung và tinh thần chỉ đạo, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia. Ngoài thực hiện các chính sách chung, các địa phương trong tỉnh cũng linh hoạt triển khai thực hiện các chính sách riêng như khuyến khích cán bộ, đảng viên vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ nhà, phương tiện sản xuất, vốn cho hộ nghèo. Tập trung đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, để người lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 21.000 lao động, bình quân giải quyết việc làm cho 6,9 nghìn lao động/năm, 311 người đi xuất khẩu lao động… Các chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm đã tạo điều kiện cho người lao động tự tạo được việc làm hoặc có việc làm với nguồn thu nhập ổn định…

Mô hình chăn nuôi hộ gia đình tại địa phương dần phát huy hiệu quả giúp người dân thoát nghèo

Cùng với đó, tỉnh cũng triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất; khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng hàng hóa; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Đẩy mạnh công tác phát triển lâm nghiệp để người dân có thể sống bằng nghề rừng và các sản phẩm khai thác từ rừng thông qua công tác khoán chăm sóc, bảo vệ rừng. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho gần 53.000 lượt hộ về giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ cho trên 72.000 lượt hộ nhận giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng với tổng diện tích giao khoán trên 160.000ha rừng…

Các lớp đào tạo ngắn hạn cũng được tổ chức thường xuyên cho bà con dân tộc thiểu số

Ngoài tập trung các giải pháp cho hộ nghèo, đối với các hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo cũng được tỉnh quan tâm hỗ trợ về phương tiện, tư liệu sản xuất, mua bảo hiểm y tế. Từ đó, giảm dần chính sách cấp phát, cho không hộ nghèo mà chuyển sang hình thức cho vay, cho mượn theo cơ chế chính sách cụ thể đến từng đối tượng. Tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo gắn với chính sách khuyến nông - công - lâm - ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng mô hình thoát nghèo gắn với cộng đồng dân cư trên địa bàn...

Xác định công tác giảm nghèo bền vững luôn gắn liền với phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định, tỉnh chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội, các địa phương trong tỉnh tập trung tạo điều kiện giúp đỡ các gia đình thuộc diện nghèo có vốn sản xuất. Vì vậy, 100% hộ nghèo trên địa bàn tỉnh có khả năng sản xuất, kinh doanh được vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách hướng dẫn thủ tục vay vốn cho người nghèo

Thời gian tới, tỉnh Lai Châu tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp: tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo; tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, làm cơ sở để xác định nguyên nhân, nhóm đối tượng nghèo, từ đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc; đa dạng hóa các nguồn vốn thực hiện chương trình, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại các huyện nghèo, xã nghèo, tạo điều kiện để người nghèo phát triển sản xuất. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách của Nhà nước đã ban hành để hỗ trợ cho hộ nghèo. Đi đôi với việc hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao tiếp tục triển khai các phương án tìm đầu ra cho sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các nguồn vốn tài trợ quốc tế. Chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chương trình, chính sách cho người nghèo. Định kỳ báo cáo, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tổ chức làm tốt công tác giảm nghèo./.

Trần Huyền