Lao động
Giải quyết vốn vay tạo việc làm cho người dân vùng ven đô Hà Nội
04:21 PM 18/11/2017
(LĐXH)- Một trong những mục tiêu hàng đầu của các huyện ven đô như Gia Lâm, Mê Linh, Từ Liêm, Thanh Trì… là công tác cho vay vốn giải quyết việc làm để đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Hiện nay, diện tích đất canh tác các huyện vùng ven đô Hà Nội đang ngày càng thu hẹp, số người thiếu việc làm ngày một tăng, các làng nghề truyền thống phát triển, do đó nhu cầu vốn để phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm ổn định đời sống nông hộ nhất là hộ nghèo trong quá trình thu hồi đất nông nghiệp ngày một cao. Tuy không nặng nề như bà con vùng sâu, vùng xa, nhưng khoảng cách giàu nghèo tại các huyện ven đô Hà Nội lại khá lớn, nên thành phố cũng đã có cơ chế, chính sách bổ sung thêm nguồn vốn giải quyết việc làm cho các địa phương này. Thông qua nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm không chỉ giúp cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách ở vùng sâu, vùng xa, mà còn trở thành điểm tựa quan trọng với nhiều hộ gia đình sản xuất ở các vùng ven đô đầu tư các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả.
Nhiều hộ nghèo đã được vay vốn giải quyết việc làm để trồng cây măng tây
Với thổ nhưỡng đất đai phù hợp với cây măng tây và cho giá trị kinh tế cao nên xã Yên Viên (huyện Gia Lâm) đã thu hút khá nhiều hộ trồng loại cây này khi được vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm. Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn thôn Kim Quan, xã Yên Viên, chia sẻ: "Tổ của bà có 29 hộ thì đa số đều trồng cây măng tây. Bản thân bà Yến cũng vay 20 triệu đồng vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm để trồng 2 sào măng tây và chăn nuôi lợn mang lại hiệu quả cao. Theo bà Yến, ngoài trồng măng tây, các hộ còn có thể trồng xen các loại rau như su hào, bắp cải… để cung cấp rau củ cho nội thành Hà Nội nên thu nhập cũng khá tốt.
Ở thôn Kim Quan còn có hộ ông Đinh Văn Hùng, người vừa được công nhận là “xã viên xuất sắc” của xã Yên Viên và hộ bà Nguyễn Thị Xuân cùng vay 20 triệu đồng vốn giải quyết việc làm để trồng măng tây và chăn nuôi, cho thu nhập 4 - 5 triệu đồng mỗi tháng. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm không chỉ giúp nhiều hộ vay vốn trồng măng tây, mà ở xã Yên Viên còn có nhiều hộ vay vốn để sản xuất bún. Chẳng hạn như hộ bà Đặng Thị Dư ở thôn Yên Viên, đầu năm 2016 cũng đã vay từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm cộng thêm vốn tích cóp từ gia đình để mua chiếc máy làm bún 45 triệu đồng. Hiện nay, mỗi ngày gia đình sản xuất được khoảng 6 tạ bún, có mức thu nhập khá.
Nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm qua Ngân hàng chính sách xã hội là kênh quan trọng giúp các hộ nghèo và cận nghèo vươn lên thoát nghèo, giúp nhiều hộ mạnh dạn hơn với các dự án sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ nguồn vốn ưu đãi này, các hộ gia đình ở huyện Mê Linh lại đầu tư trồng hoa, trồng bưởi, sản xuất hàng hóa bằng các mô hình VAC khá hiệu quả. Qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hỗ trợ người dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, huyện đã thành lập và duy trì phát triển các mô hình kinh tế tập thể, trang trại (25 trang trại) qua 3 mô hình tổ hợp tác và 4 câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế tại các xã Chu Phan, Tiến Thịnh, Mê Linh, Tráng Việt. Nguồn vốn đó cũng chắp cánh cho 154 hộ có mô hình sản xuất mới, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất với quy mô hàng hóa, trong đó có mô hình trồng hoa tại xã Mê Linh. Với bạt ngàn cánh đồng hoa, huyện Mê Linh đã trở thành nơi cung cấp hoa chủ yếu cho khu vực nội thành Hà Nội. Nhiều hộ gia đình ở xã Mê Linh không những thoát nghèo mà còn vươn lên thành những hộ khá, hộ giàu của xã.
Hộ nghèo ở Mê Linh (Hà Nội) vay vốn giải quyết việc làm để trồng hoa hồng
Chúng tôi đã đến thăm gia đình ông Nguyễn Duy Tạo, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh trong cơ ngơi bề thế được trang bị khá đầy đủ tiện nghi, ít ai biết rằng hộ ông Nguyễn Duy Tạo từng là hộ nghèo. Nhờ sự chăm chỉ cần cù và chịu khó học hỏi cùng với nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, ông Tạo đã đầu tư vào trồng hoa hiệu quả, không những vươn lên thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá của thôn. Ông Tạo kể, được vay vốn từ chương trình, gia đình đầu tư vào trồng rau và hành tây, mặc dù cũng có đồng ra đồng vào nhưng nhận thấy, trồng rau không hiệu quả bằng trồng hoa nên gia đình đã chuyển đổi cây trồng. Lúc đầu, gia đình ông chỉ trồng 1 sào hoa, sau ông mới vay thêm vốn, tăng dần diện tích. Đến nay gia đình ông Tạo đã trồng 8 sào hoa hồng cho thu nhập khá ổn định.
Qua đánh giá, hiện nay nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm được các hộ gia đình ở vùng ven đô Hà Nội sử dụng rất hiệu quả, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các dự án. Không những vậy, nguồn vốn này đã giúp các hộ nghèo ở đây rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trên địa bàn thành phố Hà Nội.

P.V