Xã hội
Giải pháp trong phòng, chống tệ nạn mại dâm ở Yên Bái thời gian tới
03:52 PM 16/11/2020
(LĐXH)-Trong giai đoạn 2016-2020, tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Yên Bái không diễn biến phức tạp, số đối tượng tham gia hoạt động mại dâm không nhiều, chưa mang tính tổ chức chuyên nghiệp, thường hoạt động lén lút.
Hiện nay, số khách nghỉ lưu trú ở Yên Bái không lớn, tệ nạn mại dâm chưa thực sự bức xúc như một số địa phương khác
Khi có biểu hiện tổ chức hoạt động mại dâm các đơn vị chức năng đã tiến hành tổ chức xác minh giải quyết dứt điểm. Hầu hết các nhà hàng, khách sạn không chứa gái mại dâm tại các cơ sở kinh doanh của mình, một số gái mại dâm tự đến các nhà hàng, khách sạn đăng ký số điện thoại với người quản lý, khi khách có nhu cầu mua dâm thì người quản lý liên lạc với gái bán dâm để các bên thực hiện hành vi mua, bán dâm. Qua khảo sát nắm bắt tình hình trên địa bàn tỉnh Yên Bái không có hiện tượng gái bán dâm đứng đường, mời chào khách hàng, chưa phát hiện hiện tượng mại dâm nam, mại dâm đồng tính, mại dâm thông qua mạng Internet, qua các trang Web đen, thông qua điện thoại di động để quảng cáo, thỏa thuận giá cả, địa điểm mua bán dâm. Yên Bái không có điểm nóng, không có điểm mại dâm công cộng.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy, đến nay,  Yên Bái có 66 gái bán dâm có hồ sơ quản lý: Trong đó số bị bắt qua các vụ án trên địa bàn tỉnh là 39 người, số bị bắt khi tham gia hoạt động mại dâm tại tỉnh ngoài là 27 người (Hà Nội 10 người, Hải Phòng 05 người, Phú Thọ 09 người, Thái Nguyên 03 người). Số gái mại dâm bị bắt qua các vụ án trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến nay là 23 người.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 910 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, trong đó có 530 cơ sở đăng ký dịch vụ lưu trú, 215 nhà hàng Kraok và cơ sở Massage, 165 quán bia , nhà hàng ăn uống, cà phê, cắt tóc gội đầu thư giãn. Số lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dao động từ 400 - 500 người. trong đó có 90 tiếp viên nữ làm việc trong các cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.
Số khách nghỉ tại Yên Bái không lớn, tệ nạn mại dâm chưa thực sự bức xúc như một số địa phương khác, tuy nhiên qua dư luận xã hội phản ánh và qua thực tiễn đấu tranh triệt phá các tụ điểm mại dâm hàng năm có thể khẳng định vẫn có một số cơ sở kinh doanh dịch vụ đang lén lút hoạt động mại dâm.  Trong đó có nhóm đối tượng đang hoạt động mại dâm theo trào lưu đó là một bộ phận học sinh, sinh viên đang học tại các trường chuyên nghiệp của tỉnh. Một bộ phận phụ nữ do muốn kiếm được nhiều tiền, thay đổi thân phận đã rời địa phương đến các khu đô thị, du lịch.
Cùng với đó, gái bán dâm tự đi thuê chỗ ở trọ và đăng ký tạm trú với địa phương dưới hình thức đi làm thuê hoặc bán hàng hoặc giả làm học sinh, sinh viên…. Việc quản lý và nắm bắt số đối tượng gái mại dâm rất khó khăn chỉ, xác định họ là gái mại dâm khi bị bắt qua các vụ án trong tỉnh hoặc do các địa phương khác gửi danh sách báo cáo về.
Vì vậy, với thực tế hiện tại là Yên Bái luôn tiềm ẩn bùng phát tệ nạn mại dâm nên việc xây dựng chương trình phòng, chống mại dâm cho giai đoạn 2020-2025 là hết sức cần thiết. Theo đó, Yên Bái đã đưa ra các giải pháp thực hiện công tác phòng, chống mại dâm trong giai đoạn tới như sau:
Tiếp tục rà soát đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về phòng, chống mại dâm. Đặc biệt các vấn đề liên quan đến việc xây dựng các hoạt động can thiệp giảm hại, phòng chống HIV/AIDS và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.
Tăng cường vai trò trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp đối với công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Tập trung kinh phí của Nhà nước để thực hiện các hoạt động trọng điểm ưu tiên; khuyến khích sự tham gia, đóng góp nguồn lực của các doanh nghiệp cho các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm đặc biệt là công tác dạy nghề tạo việc làm và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.
Chú trọng hợp tác với các nước trong khu vực, các nước có chung biên giới.
Huy động sự tham gia của các cơ quan thông tấn, Báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục về hành vi tình dục an toàn, lối sống chung thủy, lành mạnh cho các nhóm dân cư.
Bố trí kinh phí thực hiện chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm từ ngân sách, từ nguồn tài trợ và từ sự huy động của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước./.
 
Bảo Châu