Lao động
Giải pháp thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp ở huyện Mộc Châu
10:57 PM 15/06/2019
(LĐXH) - Xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Mộc Châu được xác định là yếu tố quan trọng nhằm góp phần bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững và đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Theo thống kê đến cuối năm 2018, toàn huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) có trên 6.000 công nhân làm việc tại trong 251 doanh nghiệp đang hoạt động (tăng 2 lần so với năm 2008); thu nhập bình quân của lao động từ 3,8 triệu – 5 triệu đồng/tháng. Trong giai đoạn phát triển mới, cùng với quá trình hội nhập kinh tế diễn ra ngày càng sâu rộng, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp sẽ có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường, đặc biệt, các doanh nghiệp loại hình Công ty cổ phần, Công ty TNHH, có đông công nhân lao động. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Mộc Châu được xác định là yếu tố quan trọng nhằm góp phần bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững và đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Địa phương đã tổ chức nhiều hình thức tuyên tuyền, vận động nhân dân, người lao động học tập nâng cao trình độ văn hóa,… tạo sự chuyển biến rõ rệt về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng đối với người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà tại các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định xã hội.


Cùng với việc xây dựng đội ngũ công nhân, lao động đủ mạnh về số lượng và chất lượng, các ban ngành, chính quyền đoàn thể ở huyện Mộc Châu sẽ nỗ lực để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân trong tình hình mới; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa công nhân, người sử dụng lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Để đạt được mục tiêu đó, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, ban ngành đoàn thể tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về giai cấp công nhân trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Nghiên cứu đổi mới tổ chức, tăng cường đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân, hướng vào giải đáp những vấn đề thực tiễn đặt ra, qua đó cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để đề ra chủ trương, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân phát triển toàn diện trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thường xuyên và trong mỗi kỳ sinh hoạt nhằm tuyên truyền, giáo dục đảng viên nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; khắc phục tư tưởng an phận, cho rằng mình chỉ là lao động hợp đồng trong doanh nghiệp, chỉ tham gia lao động thực hiện tốt sự phân công của giám đốc, hoặc chủ doanh nghiệp là đủ. Đổi mới về nội dung và phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng trong doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc trong việc định hướng chiến lược sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh công tác phát triển đảng trong các loại hình doanh nghiệp tư nhân, Công ty cổ phần, Công ty TNHH. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức đảng trong doanh nghiệp không ngừng củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong từng loại hình doanh nghiệp, khảo sát nắm tình hình đảng viên đang công tác trong các doanh nghiệp hiện đang sinh hoạt ghép để có kế hoạch điều chuyển, tạo tiền đề cho việc hình thành tổ chức đảng trong một số doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp tổ chức thăm khám sức khỏe định kỳ cho công nhân

Đồng thời, địa phương sẽ đẩy mạnh phát triển đoàn viên và tổ chức công đoàn, ĐTNCS Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong các loại hình doanh nghiệp. Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở, để công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc của công nhân tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, có sức hấp dẫn đối với người lao động và tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người sử dụng lao động. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động huyện để nâng cao hiệu quả công tác nữ công của công đoàn tại các doanh nghiệp. Sớm bổ sung cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở và chế độ phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn cơ sở.

Chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ trong doanh nghiệp, công ty cổ phần, công ty TNHH xây dựng quy chế làm việc của tổ chức đảng phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, xác định rõ mối quan hệ giữa Cấp ủy với HHĐQT, Ban Giám đốc và các đoàn thể trong doanh nghiệp; tích cực đổi mới hình thức và phương pháp sinh hoạt đảng phù hợp với điều kiện từng nơi, củng cố sự đoàn kết nhất trí, thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng.

Phát huy mạnh mẽ hiệu lực quản lý Nhà nước trong xây dựng, thực hiện chính sách đối với công nhân, lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân tương xứng với những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động của các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; huy động các nguồn lực tại chỗ để chăm lo đội ngũ công nhân, lao động trong tình hình mới.

Trần Huyền