Giáo dục - Nghề nghiệp
Giải pháp then chốt thu hẹp khoảng trống kỹ năng giáo dục nghề nghiệp
08:30 AM 11/09/2020
(LĐXH)- Để nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an toàn hoạt động nghề nghiệp, thì việc quy định về sử dụng lao động qua đào tạo được xem là giải pháp then chốt.
Rủi ro do thiếu kỹ năng lao động
Giáo dục nghề nghiệp (đào tạo nghề) là một thành tố và là thành tố quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định phát triển nguồn nhân lực. Muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường lao động, song song với các cơ chế chính sách sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nghề, cần phải có quy định về sử dụng lao động qua đào tạo. Nhờ có nền tảng đào tạo nghề, người lao động nâng cao được kiến thức và kỹ năng nghề của mình, qua đó nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội quốc gia.
Đào tạo nghề chất lượng cao tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội
Đặc biệt, lao động qua đào tạo đóng vai trò quan trọng vào việc tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển lực lượng lao động qua đào tạo cũng chính là yêu cầu nâng cao chất lượng lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập khu vực, quốc tế và sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như ứng phó với các yếu tố khó lường của dịch bệnh, thiên tai đã và đang tác động trên quy mô toàn cầu.
Điều này cũng đã được Đảng, Chính phủ quan tâm, thể hiện rõ nét qua Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ qua đào tạo của cả nước đạt từ 65% đến 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 25%. Như vậy, so với quy mô của lực lượng lao động hiện nay, số lượng lao động được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực vẫn đang là một rào cản đối với sự phát triển của Việt Nam, có nghĩa là vẫn còn khoảng 75% lực lượng lao động chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật.
Quy định về sử dụng lao động qua đào tạo được xem là giải pháp then chốt nâng cao kỹ năng nghề
Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong số 16 yếu tố được coi là vấn đề đối với kinh doanh ở Việt Nam thì có yếu tố “lực lượng lao động không được đào tạo đầy đủ” là yếu tố quan trọng thứ ba, sau yếu tố “thiếu sự ổn định về chính sách” và “tiếp cận với tài chính”.
ILO cho rằng, những “khoảng trống về kỹ năng” sẽ được thu hẹp thông qua đào tạo do doanh nghiệp hay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI tập trung tuyển dụng những lao động trẻ, chủ yếu là những lao động phổ thông có độ tuổi từ 18 đến 20. Theo thống kê của doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông đạt tới con số hơn 40% nhu cầu so với những nguồn nhân lực khác.
Người lao động gần như không được đào tạo bài bản và được đưa vào làm việc ngay, trình độ kỹ năng rất hạn chế. Điều này dẫn đến hệ quả năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng của cả nền kinh tế nói chung còn thấp.
Bên cạnh đó, quyền lợi của người lao động không được đảm bảo, họ không được bảo vệ thỏa đáng do không có chứng nhận, công nhận về trình độ. Người lao động cũng phải chịu những rủi ro về an toàn lao động do thiếu kỹ năng lao động, bị trả lương thấp, bị sa thải bất cứ lúc nào khi doanh nghiệp thay đổi công nghệ…
Nghề công nghệ ô tô hiện đang thu hút khá nhiều học sinh, sinh viên theo học
Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng phát triển, đa dạng cả về ngành nghề và quy mô thì nâng cao hiệu quả công việc cũng như bảo đảm an toàn trong hoạt động nghề nghiệp là vấn đề vô cùng quan trọng.
Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2019 trên toàn quốc đã xảy ra 8.150 vụ tai nạn lao động làm 8.327 người bị nạn. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do người lao động chưa được đào tạo. Do đó, mặc dù đã được huấn luyện về vệ sinh, an toàn lao động nhưng tai nạn lao động vẫn xảy ra.
Các vấn đề nêu trên cho thấy, việc xây dựng danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo là rất cần thiết nhằm hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ, từ đó tăng năng suất lao động toàn xã hội.
Quy định ngành nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo
Theo quy định tại khoản 8, Điều 52 của Luật Giáo dục nghề nghiệp về trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, thì doanh nghiệp sử dụng lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với những nghề trong danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH quy định.
Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhân lực có kỹ năng nghề và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, cũng đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương, khuyến khích doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề nghiệp hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Theo Bộ Lao động - TBXH, dự thảo Thông tư Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo đang trong quá trình hoàn thiện để ban hành. Thông tư gồm 4 điều và 2 danh mục ban hành kèm theo.
Cần sớm ban hành Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo 
Các danh mục ngành nghề được nghiên cứu, xem xét trên cơ sở đề xuất của các Bộ, ngành và được xác định theo tính chất, mức độ của ngành nghề đó ở 3 tiêu chí: Đối với sự nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của người lao động; Đối với sự an toàn của người tiêu dùng và xã hội và tiến tới việc nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia của nền kinh tế.
Dự thảo Thông tư cũng xác định lộ trình thực hiện Danh mục ngành nghề sử dụng lao động qua đào tạo bao gồm 3 giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2024.
Trong đó, giai đoạn 1 từ ngày 1/1/2022, áp dụng cho danh mục 117 ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Vì nếu người lao động trong lĩnh vực này không được đào tạo, thì nguy cơ xảy ra tai nạn lao động là rất lớn, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và không bảo đảm quyền lợi của họ.
Các giai đoạn tiếp theo sẽ ban hành danh mục các ngành nghề khác. Việc xác định lộ trình ban hành để các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân người sử dụng lao động chủ động trong việc tự đào tạo, đào tạo chuyên môn, nghề nghiệp cho người lao động theo các trình độ phù hợp.
Theo đó, Danh mục ngành nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo gồm:
Danh mục 1: Bao gồm 68 ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Đây là những ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động ở nhóm V và nhóm VI) theo Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành kèm theo Thông tư số 15/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Danh mục 2: Bao gồm 90 ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2023. Đây là những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động ở nhóm IV) theo Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành kèm theo Thông tư số 15/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và một số ngành nghề liên quan đến sức khỏe, các dịch vụ liên quan đến phục vụ con người, các ngành nghề quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội (các nghề trọng điểm ở các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế).
Dự thảo Thông tư cũng xác định lộ trình thực hiện Danh mục ngành nghề sử dụng lao động qua đào tạo bao gồm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Từ ngày 01/01/2022: Áp dụng cho Danh mục 1, bao gồm 117 ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, vì nếu những người lao động trong lĩnh vực này không được đào tạo thì nguy cơ xảy ra tai nạn lao động là rất lớn, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và không bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong môi trường lao động khó khăn, vất vả.
Giai đoạn 2: Từ ngày 01/01/2023: Áp dụng cho Danh mục 2, bao gồm 59 ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và những ngành, nghề phổ biến, quan trọng (như đã nêu trên). Cũng tương tự như Danh mục 1, nếu những người lao động trong lĩnh vực này không được đào tạo thì dễ xảy ra mất an toàn lao động, không được đào tạo thì không có kỹ năng làm việc, năng suất thấp, thu nhập thấp, công việc không ổn định, ảnh hưởng chung đến cả nền kinh tế. Mặt khác, người lao động ở những ngành, nghề này đòi hỏi phải qua đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và sự an toàn của người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trong một số lĩnh vực như y tế, du lịch dịch vụ, giao thông vận tải…
Giai đoạn 3: Từ ngày 01/01/2024: Áp dụng cho các ngành nghề còn lại trong Danh mục ngành, nghề đào tạo theo quy định tại Thông tư số 04/2018/TT-BLĐTBXH ngày 02 tháng 03 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, cao đẳng và các ngành, nghề khác ở các trình độ sơ cấp, và các ngành, nghề được quy định bởi các luật chuyên ngành.
Lao động qua đào tạo đóng vai trò quan trọng vào việc tăng năng suất lao động
Dự thảo Thông tư đã gửi lấy ý kiến của các Bộ, ngành địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Về cơ bản, các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều đồng thuận với Danh mục này. Hiện nay, Bộ Lao động - TBXH đang tiếp tục lấy thêm ý kiến của các doanh nghiệp để hoàn thiện thêm Dự thảo.
Cơ sở pháp lý để ban hành Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động qua đào tạo
Việc xây dựng Dự thảo Thông tư Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo dựa trên những căn cứ sau:
Theo quy định tại khoản 8, Điều 52 của Luật Giáo dục nghề nghiệp về trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì doanh nghiệp sử dụng lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với những nghề trong danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
Khoản 2 Điều 212 của Bộ luật lao động năm 2019 đã xác định nội dung quản lý nhà nước về lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động là: “Quy định danh mục nghề chỉ được sử dụng lao động đã qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia”.
Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhân lực có kỹ năng nghề nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương, khuyến khích doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề nghiệp hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Vì vậy, việc xây dựng và ban hành “Thông tư ban hành Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo” vừa rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay vừa bảo đảm cơ sở pháp lý theo quy định.

Chí Tâm