Giáo dục - Nghề nghiệp
Giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo lao động gắn với nhu cầu doanh nghiệp
10:24 AM 22/12/2022
(LĐXH) - Sáng 13/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo lao động gắn với nhu cầu DN”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chủ trì và tham dự Hội thảo.
Qua khảo sát, đánh giá của Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và quá trình hội nhập. Quy mô nguồn nhân lực qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn thấp (22,7%) và lao động qua đào tạo đạt 68%. Một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn, lợi thế của tỉnh còn thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi. Nguồn nhân lực chất lượng cao ở các ngành công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ lệ thấp. Nguồn lực dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, thu hút, đãi ngộ nhân tài của tỉnh còn hạn chế.
Toàn cảnh Hội nghị
Tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương cải thiện tốt về vị trí trên bảng xếp hạng PCI, từ năm 2019 việc tăng 10 bậc, với số điểm đánh giá 66,5 điểm, từ vị trí 30 (năm 2018) lên vị trí 20 trên bảng xếp hạng nằm vị trí thứ 4 của “nhóm khá”; đứng thứ 17, tăng 03 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số PCI với số điểm đánh giá là 65,3 điểm, nằm trong nhóm khá của toàn quốc (năm 2020); năm vừa rồi (năm 2021) tỉnh ta thuộc vào nhóm những tỉnh, thành phố có chỉ số PCI hàng đầu cả nước với vị trí thứ 8/63 tỉnh/thành cả nước, tăng 9 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số PCI với số điểm đánh giá đạt 69,24 điểm và chuyển từ “nhóm khá” lên “nhóm tốt” của toàn quốc.
Đặc biệt, năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương có chỉ số thành phần - chỉ số Đào tạo lao động xếp thứ 07/63 tỉnh, thành; tăng 28 bậc so với năm 2018, chỉ số Đào tạo lao động xếp thứ 31/63, giảm 24 bậc đã không duy trì được mục tiêu đề ra năm 2020; năm 2021-Chỉ số Đào tạo lao động xếp thứ 14/63, tăng 17 bậc.
Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, để đáp ứng yêu cầu về nguồn lao động, tay nghề mà DN cần, trường nghề cũng cần cải tổ bằng cách sớm chuyển đổi từ phương thức đào tạo truyền thống sang đào tạo số. Đồng thời xây dựng môt số ngành nghề chủ lực, đặc thù đáp ứng theo "đơn đặt hàng" của DN và tập trung nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các DN để hạn chế việc tái đào tạo đối với người lao động khi được nhận làm việc tại DN.
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị
Tại Hội thảo, đại diện các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cho rằng, có những vấn đề giáo viên, giảng viên trong trường truyền đạt cho sinh viên lại không thuyết phục bằng chính DN truyền đạt. Vì thế, để hợp tác hiệu quả, giữa hai bên, cơ quan chức năng, chính quyền cần tạo điều kiện cho học viên được thực tập, học việc tại DN cũng như DN có thể cử chuyên gia, người có kinh nghiệm, kỹ năng để làm giảng viên đào tạo tại cơ sở GDNN.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, vấn đề nan giải của Huế đó là chính sách thu hút lao động có tay nghề. Bên cạnh sự nỗ lực của tỉnh trong thu hút, tạo môi trường đầu tư tốt, lành mạnh còn cần sự tham mưu của Sở LĐTB&XH về chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động và sự gắn kết chặt chẽ 3 nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà DN trong các hoạt động GDNN để tạo ra được sản phẩm đào tạo thực chất và hiệu quả. Công cụ quản lý, hay cụ thể là bộ dữ liệu khoa học về cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh phải sớm được công bố và triển khai Đề án Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao của tỉnh.
Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo là cơ sở quan trọng cho ngành lao động, thương binh và xã hội tham mưu điều chỉnh các chính sách liên quan đến đào tạo nghề phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
 Thanh Hương