Lao động
Giải pháp nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài
11:16 AM 14/11/2018
(LĐXH) - Sáng ngày 13/11/2018, tại TPHCM, Trường ĐH Văn Hiến, Cục Quản lý lao động ngoài nước(Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng lao động đi làm việc nước ngoài”.
Ông Phạm Anh Thắng - Phó trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ - TBXH tại TPHCM phát biểu tại Hội thảo

Tham dự hội thảo có đại diện Cục quản lý Lao động ngoài nước, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ – TBXH), đại diện lãnh đạo Hệ thống giáo dục Hùng Hậu, Công ty TNHH Dịch vụ Quốc tế Sài Gòn…

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 5 tháng đầu năm 2018 có hơn 48.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, Đài Loan và Nhật Bản là hai thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Riêng thị trường Nhật Bản, 5 tháng đầu năm có khoảng 17.400 lao động Việt Nam được đưa sang làm việc, chiếm hơn 35% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Mức lương của người lao động đi Nhật làm việc khá cao, sau khi trừ chi phí, thu nhập hàng tháng của một người lao động còn khoảng 800- 1.000 đô la Mỹ, nếu tính từ các khoản làm thêm, thu nhập có thể dao động từ 1.500 đến 2.000 đô la Mỹ. Với mức thu nhập trên, nhiều lao động sau khi về nước đã có cuộc sống tốt hơn. Bên cạnh đó, người lao động còn có cơ hội làm việc với các công ty nước ngoài với ngành nghề phù hợp và mức lương cao nhờ kinh nghiệm và chứng chỉ có được trong thời gian xuất khẩu lao động…

Ông Lý Thành Tâm - Trưởng Đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM  phát biểu tại Hội thảo

Mặc khác, với các trường ĐH- CĐ- TC, hiện nhiều trường cũng đã liên kết, hợp tác với các công ty XKLĐ để giải quyết đầu ra bằng cách phái cử thực tập sinh hoặc XKLĐ... Với hình thức này, sinh viên ngay khi ra trường có thể ra nước ngoài tiếp tục học tập và làm việc ở môi trường chuyên nghiệp, nâng cao tay nghề...  Khi trở về nước, họ là nguồn nhân lực chất lượng cao nhờ hội tụ các yếu tố về ngoại ngữ, tay nghề, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, có kinh nghiệm quản lý... mở ra một cơ hội mới cho bản thân cũng như phục vụ cho xã hội. Do đó, đối tượng xuất khẩu lao động ngày càng được mở rộng không chỉ lao động phổ thông, những người dân vùng quê nghèo mà kể những người trí thức, có trình độ ĐH- CĐ, gia cảnh khá giả ở khu vực thành phố cũng tham gia “xuất ngoại”.

Đặc biệt, trong năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH có đề xây dựng Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025” để trình Chính phủ.Tuy nhiên, để đi xuất khẩu lao động cũng là một vấn đề nan giải với người lao động do liên quan đến kinh tế, vay vốn ngân hàng, vấp phải lừa đảo… Và thực tế, không ít trường hợp “dở khóc dở cười”, mang nợ vào thân do vấp phải những công ty có lừa đảo hoặc người lao động vi phạm pháp luật, bỏ trốn, chuyển đổi công việc khiến tình trạng xuất khẩu lao động chung của cả nước bị ảnh hưởng….

Bà Trần Thị Vân Hà - Trưởng phòng truyền thông, Cục Quản lý Lao động ngoài nước phát biểu tại Hội thảo

Trước thực tế này, Báo Tiền Phong- Cơ quan T.Ư của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, là diễn đàn của giới trẻ cả nước tổ chức hội thảo Giải pháp nâng cao chất lượng lạo động đi làm việc ở nước ngoài” để cùng Bộ LĐ- TB&XH, các trường ĐH, CĐ, TC, các chuyên gia, các công ty xuất khẩu lao động, các ngân hàng bàn bạc giải pháp cũng như các vấn đề liên quan để xuất khẩu lao động.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh thị trường xuất khẩu lao động đang trở nên sôi động, đặc biệt là thị trường các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức…với hàng chục ngàn nhu cầu việc làm mỗi năm.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Dương Thị Thu Cúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Quốc tế Sài Gòn cho biết: Thị trường Nhật Bản có nhiều cơ hội cũng cũng như tiềm năng, được nhiều người lao động chọn lựa khi đi xuất khẩu. Lý do, Nhật Bản tôn trọng người lao động, giúp nâng cao tay nghề và nhận thức hơn cho người lao động. Nhiều bạn sau khi về nước mở cơ sở kinh doanh theo mô hình học hỏi từ người Nhật. Trở về là không sợ thất nghiệp, lý do các bạn giỏi tiếng Nhật, chọn công việc Nhật Bản hay trong nước, nếu có chuyên môn thì làm ở Nhật, còn các bạn nữ thì làm giáo viên cho các trường, làm công phiên dịch. 

 Bà Dương Thị Thu Cúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Quốc tế Sài Gòn (Saigon Inserco) chia sẻ tại Hội thảo

Hiện nay Nhật Bản tài trợ 70% vốn ODA cho Việt Nam, lương các bạn khi về Việt Nam xin việc sẽ cao hơn trong nước 30%. Đào tạo Nhật Bản rất an tâm, họ không bao giờ lợi dụng hay trễ lương, mỗi người có 1 phòng sinh hoạt đầy đủ tiện nghi, liên lạc gia đình mỗi ngày, các chế độ phúc lợi rất tốt, khi trở về rất chín chắn, trau dồi tương lai rất tốt.

Còn theo ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng vụ đào tạo thường xuyên, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp nhìn nhận: “Các em học sinh, sinh viên rất cần thông tin, các doanh nghiệp rất muốn chia sẻ thông tin, các trường cũng muốn có thông tin chia sẻ cho các em ngay từ đầu khóa học. Từ đó doanh nghiệp có lao động gửi đi, nhà trường có cơ hội đào tạo sinh viên, sinh viên hiểu rõ hơn về ngành học, nghề học, có cơ hội học tập”

Thời gian qua, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp cùng với các cơ quan liên quan đã triển khai 1 chuỗi các hoạt động nhằm mục đích gắn kết các trường đào tạo và doanh nghiệp. Mô hình Tổ chức triển khai các mô hình gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp xuất khẩu lao động, gắn tuyển sinh với định hướng đi học tập, làm việc ở nước ngoài bằng hợp đồng hợp tác đào tạo. Trong đó nêu cụ thể trách nhiệm của nhà trường, của doanh nghiệp sẽ được xem là một giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Ông Đào Văn Tiến cũng khẳng định “Cùng với giải quyết việc làm trong nước, giải quyết việc làm ngoài nước cho lao động cũng là 1 chiến lược phát triển kinh tế của nước ta.

Đông đảo các sinh viên Trường ĐH Văn Hiến tham dự Hội thảo

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thị trường TPHCM (Sở LĐ – TBXH TPHCM) cho rằng, xuất khẩu lao động là chiến lược lớn của quốc gia. Hiện nay TPHCM là khu vực sôi động nhất nước, cơ quan đầu tư nước ngoài đang tích cực phối hợp các địa phương của nước ta, hiện có rất nhiều ngành được đào tạo để xuất khẩu. Trước đi lựa chọn ngành phù hợp, các em phải có xu hướng tự mở mang kiến thức, chọn nghề sao phù hợp để khỏi thất nghiệp sau này. Nếu điều kiện kinh tế không cho phép đi học nghề thì các đơn vị xuất khẩu lao động có thực hiện các chương trình hỗ trợ vốn cho người lao động đi.

Hiện nay, thông tin xuất khẩu lao động rất ít, rất thấp phổ biến trong các trường phổ thông, không dự báo các thông tin về xuất khẩu lao động. Do đó, người lao động phải có tính toán khi quyết định đi xuất khẩu' – ông Tuấn cho biết.

Lê Việt