Lao động
Giai đoạn 2017 – 2020 cả nước sẽ đào tạo nghề cho khoảng 900 nghìn lao động nông thôn
03:38 PM 01/12/2016
(LĐXH)- Giai đoạn 2017 – 2020, cả nước sẽ đào tạo nghề cho khoảng 900 nghìn lao động nông thôn với nguồn kinh phí dự toán khoảng 1.751 tỷ đồng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2017 – 2020, cả nước sẽ đào tạo nghề cho khoảng 900 nghìn lao động nông thôn với tỷ lệ lao động có việc làm, nâng cao thu nhập sau khi được đào tạo nghề đạt trên 80%. Nguồn kinh phí dự toán cho giai đoạn này là khoảng 1.751 tỷ đồng.
Dạy nghề cho lao động nông thôn dưới 3 tháng
Về đối tượng đào tạo, sẽ bao gồm các đối tượng người khuyết tật, người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo; người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng; người thuộc hộ cận nghèo và phụ nữ.
Các ngành nghề đào tạo bao gồm sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, nghề đánh bắt khai thác thủy sản… Hình thức đào tạo chủ yếu là dạy thực hành tại nơi sản xuất có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm theo quy định với các trình độ đào tạo là sơ cấp nghề 413.500 người và dưới 3 tháng 500.000 người.
Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ xây dựng 10 – 15 mô hình mẫu/địa phương rồi từ đó tổng kết, đánh giá theo điều kiện của từng địa phương để tổ chức nhân rộng.
Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết, bên cạnh nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ 1.375 tỷ đồng, nguồn kinh phí đào tạo nghề còn được huy động từ các nguồn kinh phí khác như kinh phí địa phương, kinh phí giao cho Bộ.  Việc ban hành danh mục và định mức chi phí đào tạo cho từng ngành nghề nông nghiệp sẽ được thực hiện theo quy định của Quyết định số 46/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 152/TT – BTC ngày 17/10/2016 của Bộ Tài chính.

Chí Tâm