Pháp luật
Giải đáp về chính sách an toàn – vệ sinh lao động
03:17 PM 29/08/2016
Hỏi: Xin cho biết chế đội bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại? Điều kiện và mức bồi dưỡng bằng hiện vật được quy định như thế nào?
Trần Văn Hùng (Thuận An – tỉnh Bình Dương)
Trả lời:
Chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại được quy định tại Điều 141 Bộ luật lao động và Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại.
Người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ các điều kiện sau:
- Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;
- Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm.
Bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền tương ứng theo các mức sau:
- Mức 1: 10.000 đồng;
- Mức 2: 15.000 đồng;                         
- Mức 3: 20.000 đồng;
- Mức 4: 25.000 đồng.
 
Hỏi: Xin cho hỏi phương tiện bảo vệ cá nhân bao gồm những gì ? Trường hợp nào người lao động được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân?
Nguyễn Văn Hải (Lào Cai)
Trả lời:
1. Phương tiện bảo vệ cá nhân là những dụng cụ, phương tiện cần thiết mà người lao động phải được trang bị để sử dụng trong khi làm việc hoặc thực hiện nhiệm vụ để bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các yếu tố nguy hiểm, độc hại phát sinh trong quá trình lao động, khi các giải pháp công nghệ, thiết bị, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc chưa thể loại trừ hết.
Phương tiện bảo vệ cá nhân bao gồm:
- Phương tiện bảo vệ đầu;
- Phương tiện bảo vệ mắt, mặt;
- Phương tiện bảo vệ thính giác;
- Phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp;
- Phương tiện bảo vệ tay, chân;
- Phương tiện bảo vệ thân thể;
- Phương tiện chống ngã cao;
- Phương tiện chống điện giật, điện từ trường;
- Phương tiện chống chết đuối;
- Các loại phương tiện bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động khác.
2. Người lao động trong khi làm việc chỉ cần tiếp xúc với một trong những yếu tố nguy hiểm, độc hại dưới đây thì được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân:
- Tiếp xúc với yếu tố vật lý xấu;
- Tiếp xúc với bụi và hoá chất độc hại;
- Tiếp xúc với yếu tố sinh học độc hại, môi trường vệ sinh lao động xấu:
+ Vi rút, vi khuẩn độc hại gây bệnh, côn trùng có hại;
+ Phân, nước, rác, cống rãnh hôi thối;
+ Các yếu tố sinh học độc hại khác;
- Làm việc với máy, thiết bị, công cụ lao động, làm việc ở vị trí mà tư thế lao động nguy hiểm dễ gây ra tai nạn lao động; làm việc trên cao; làm việc trong hầm lò, nơi thiếu dưỡng khí; làm việc trên sông nước, trong rừng hoặc điều kiện lao động nguy hiểm, độc hại khác.
Bên cạnh đó, để tiện cho quá trình thực hiện chế độ này, Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/02/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành 01 danh mục phương tiện bảo vệ cá nhân trang bị cho người làm nghề, công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại để người sử dụng lao động có thể căn cú vào đó thực hiện chế độ cho người lao động.
 
Hỏi: Xin cho biết các điều kiện có hại và các công việc không được sử dụng lao động nữ, lao động có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi?
Nguyễn Thu Hường (Bình Dương)
Trả lời:
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 26/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 về danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ. Danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ ban hành kềm theo Thông tư bao gồm:
- Phần A quy định cụ thể tên 38 công việc  không được sử dụng lao động nữ.
- Đối với lao động nữ có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì ngoài 38 công việc tại phần A còn bổ sung thêm 29 công việc không được sử dụng lao động có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi tại phần B. Tổng cộng là 77 công việc không được sử dụng lao động nữ có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
 
Hỏi: Tôi đang trên đường từ nhà đến công ty để làm việc thì bị tai nạn giao thông. Tôi được đưa đi cấp cứu, bệnh viện xác nhận chấn thương cổ chân phải bó bột cố định. Xin hỏi như vậy có được coi là tai nạn lao động không? Nếu được thì tôi cần phải có những giấy tờ gì để được giải quyết quyền lợi theo quy định của luật Bảo hiểm xã hội?
Lê Tuấn Hùng (Hà Nội)
Trả lời:
Điều 142 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về tai nạn lao động, theo đó:
1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc.
2. Người bị tai nạn lao động phải được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo.
3. Tất cả các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các sự cố nghiêm trọng tại nơi làm việc đều phải được khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định của Chính phủ.
Theo khoản 1 Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội quy định điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động:
Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây: Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý; 2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này”.
Đồng thời theo khoản 3 Điều 19 Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định: “Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động theo khoản 1 Điều 39 và điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo khoản 1 Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:Bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
Trong khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc. Tuyến đường hợp lý là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại”.
Như vậy, người lao động bị bị tai nạn giao thông trong khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc và trên tuyến đường thường xuyên đi từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc được coi là tai nạn lao động. Nếu người lao động vi phạm về mặt thời gian hoặc địa điểm tai nạn theo quy định nêu trên thì không được coi là tai nạn lao động và không được hưởng các chế độ theo quy định của Bộ Luật lao động và Luật bảo hiểm xã hội. Trường hợp của chị cần xác định mức suy giảm khả năng lao động có trên 5% trở lên và có phải là tuyến đường mà chị thường xuyên đi và về từ nhà đến nơi làm việc hay không, nếu có thì chị cần lập hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động, bao gồm:
+ Sổ bảo hiểm xã hội của người lao động đã xác định đóng bảo hiểm xã hội đến tháng trước khi bị tai nạn lao động;
+ Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động của người sử dụng lao động (mẫu số 05A-HSB);
+ Biên bản điều tra tai nạn lao động;
Trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì có thêm bản sao Biên bản tai nạn giao thông;
Ngoài ra nếu bị tai nạn giao thông trên tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc được xác định là tai nạn lao động thì có thêm bản sao Hộ khẩu thường trú hoặc bản sao Giấy đăng ký tạm trú;
+ Giấy ra viện (bản chính hoặc bản sao) sau khi đã điều trị thương tật tai nạn lao động ổn định đối với trường hợp điều trị nội trú;
+ Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa.
+ Bản quá trình đóng bảo hiểm xã hội theo Sổ bảo hiểm xã hội (mẫu số 04A -HSB hoặc mẫu số 04B-HSD);
+ Quyết định hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng hoặc trợ cấp 1 lần của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố hoặc Giám đốc Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ (mẫu số 03A-HSB hoặc mẫu số 03B-HSB).
Cục An toàn lao động