Lao động
Giải bài toán “giữ chân” lao động trước làn sóng về quê
10:22 AM 12/10/2021
(LĐXH)- Sự dịch chuyển lao động tự phát trong thời gian qua đã và đang tạo ra áp lực rất lớn cho thị trường lao động trong bối cảnh dịch bệnh dần được kiểm soát.
Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nhận định, việc người lao động di chuyển “ồ ạt về quê” như thời gian qua sẽ tạo thêm những khó khăn cho thị trường lao động.
Dự báo nhiều doanh nghiệp sẽ thiếu hụt lao động khi hoạt động trở lại (ảnh minh họa)
Áp lực lên thị trường lao động từ làn sóng về quê
Theo thống kê của Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP HCM, trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, có khoảng 288.000 công nhân làm việc tại doanh nghiệp thuộc Ban quản lý. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 10/2021, con số này là khoảng 135.000 người, bằng 46% tổng số công nhân trước dịch.
Nguyên nhân do làn sóng người lao động ồ ạt về quê do ảnh hưởng của đại dịch. Thống kê cho thấy, những ngày đầu tháng 10/2021, có khoảng trên 60.000 lao động ngoại tỉnh từ TP HCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… về quê.
Tổng cục Thống kê cho biết, do tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, có tới 40/63 địa phương (trên 63% tổng số địa phương cả nước) có chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/9/2021 giảm so cùng thời điểm năm trước.
Trong đó có 6 địa phương có tốc độ giảm lao động trên 50% gồm: Vĩnh Long giảm 83,1%; Trà Vinh giảm 77,9%; Hậu Giang giảm 67,6%; TP Hồ Chí Minh giảm 63,3%; Đồng Tháp giảm 59,5%; Bến Tre giảm 52,1%. Có 3/63 địa phương có chỉ số sử dụng lao động giảm trên 30%, gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 41,1%; Cần Thơ giảm 39,2%; Tây Ninh giảm 30,6% và có 4/63 địa phương có chỉ số sử dụng lao động giảm trên 20%, gồm: Kiên Giang giảm 28,1%; Tiền Giang giảm 27,7%; Cà Mau giảm 25,8%; Bình Dương giảm 24,8%.
Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM nhận định, sau cao điểm chống dịch, số công nhân trở lại làm việc tại khu công nghệ cao sẽ gần như đông đủ. Nhưng các nhà máy trong khu chế xuất, khu công nghiệp chắc sẽ phải nỗ lực tìm đủ lao động để sớm hoạt động trở lại. Riêng TP.HCM lại đang cần khoảng 45.000 công nhân trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vừa hoạt động trở lại.
Theo nhận định, dự kiến số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60-70%, nên nguy cơ thiếu hụt lao động để phục hồi trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát sẽ xảy ra ở các thành phố nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất; trong khi đó sẽ dư thừa lao động ở những nơi cung lao động lớn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, sẽ tạo nên một nghịch lý lớn về cung – cầu lao động.
Giải pháp nào để “giữ chân lao động”?
Bà Trần Thị Kim Yến - Bí thư Quận ủy quận 1, đại biểu Quốc hội nhận định, tình trạng nợ lương, trốn đóng, chậm đóng BHXH đã ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Do tác động của đại dịch, doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động thì người lao động phải được bảo vệ. Chính vì các chính sách pháp luật cho người lao động không đạt yêu cầu nên xảy ra câu chuyện hàng trăm ngàn người lao động bỏ về quê. Do đó, việc thực hiện nghiêm Luật công đoàn là của cả bộ máy, cơ quan quản lý, tổ chức công đoàn chứ không phải là của chỉ riêng công đoàn.
Về giải pháp lâu dài, bà Trần Thị Kim Yến cho rằng, cần quan tâm và bảo đảm tiền lương, phúc lợi và các chế độ với người lao động phải đủ sống, có tích luỹ và phải có tác dụng kích thích, thu hút người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Về phương án “níu” công nhân ở lại, ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An cho biết, trong những ngày khó khăn nhất khi đối mặt với COVID-19 lây lan nhanh, Long An đưa mục tiêu chống dịch lên hàng đầu nhưng cũng song hành chuẩn bị hồi phục sản xuất. Tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng được phân bổ vắc xin để ưu tiên tiêm cho công nhân.
Người lao động về quê ồ ạt sẽ dẫn tới tình trạng khan hiếm nhân lực sau khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại khi đại dịch được kiểm soát
Tất cả người dân Long An đều nhường cho công nhân được tiêm trước. Khi vừa phủ được vắc xin mũi 1, Long An cho áp dụng ngay giai đoạn phục hồi sản xuất từ 15/9. Tỉnh cũng đặt ra mốc 15/10 sẽ phủ được đủ 2 mũi vắc xin cho tất cả người lao động. Ngoài ra, Long An tính toán dành thêm vắc xin để doanh nghiệp thu hút lao động từ ngoài tỉnh. Đón người lao động đến Long An cũng là mục tiêu quan trọng song hành cùng chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh.
Tại chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nguồn nhân lực lao động cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sau đại dịch" được tổ chức vào đầu tháng 10/2021, nhiều chuyên gia có chung nhận định về các giải pháp để giải quyết nguồn lao động thiếu hụt trầm trọng hiện nay phải thực hiện đồng bộ, sát với nhu cầu, tâm lý, quyền lợi của người lao động như: Địa phương cần đẩy nhanh mở cửa lại hoạt động sản xuất của các nhà máy, ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động, hỗ trợ giải quyết thất nghiệp, làm tốt các chính sách an sinh xã hội, doanh nghiệp cho ứng tháng lương đầu tiên khi quay trở lại làm việc, tăng cường tuyên truyền việc dịch chuyển về quê ồ ạt gây nguy cơ lây lan dịch bệnh...
Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn nhằm báo cáo chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vào ngày 11/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, giữ chân người lao động ở lại TP HCM không để đứt gãy chuỗi sản xuất là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đây còn là nguồn lực quan trọng để phát triển địa phương trong thời gian tới. Vì vậy, huyện Hóc Môn nói riêng và TP HCM nói chung cần phải có chính sách động viên công nhân lao động ở lại và yên tâm tiếp tục lao động, sản xuất.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi người dân nên kiềm chế, không di chuyển tự phát làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Thủ tướng yêu cầu TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có đông người dân, lao động ngoại tỉnh tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động người dân ở lại để được tiêm vắc xin đầy đủ; tiếp tục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Nếu người dân thực sự có mong muốn về quê vì các lý do khác nhau thì các địa phương phối hợp tổ chức đón, đưa, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; đi lại thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông và tránh gây bức xúc cho người dân. Theo đó, các địa phương phía Nam đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo này./.
Nguyễn Lại Thìn