Xã hội
Gia tăng tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp góp phần thúc đẩy bình đẳng giới
11:11 AM 30/10/2018
(LĐXH) - Theo báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017, Việt Nam xếp thứ 69/144 quốc gia xếp hạng về thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong các lĩnh vực.
Trong đó, những thành tựu nổi bật nhất là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ khá cao, khoảng cách giới về học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật được thu hẹp đáng kể …
Tuy nhiên, phần lớn những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn chưa vượt qua được quy mô siêu nhỏ, hoạt động không chính thức, tập trung vào lĩnh vực lợi nhuận thấp... Mặt khác, hiện tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô lớn do nữ làm chủ, quản lý có xu hướng giảm dần và số doanh nghiệp nữ ứng dụng khoa học công nghệ cũng còn hạn chế, tỷ lệ nhóm phụ nữ sáng lập kinh doanh cũng đạt tỷ lệ thấp hơn nam giới. Bên cạnh đó, xét về vị thế làm việc, lao động nữ cũng thường làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương hơn hơn so với lao động nam.
Thực tế, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt do phụ nữ quản lý đã góp phần tạo ra giá trị của cải vật chất, nguồn thu nhập đáng kể cho đất nước, góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước và trách nhiệm cao với xã hội và cộng đồng. Điển hình, ngày càng có nhiều doanh nhân nữ Việt Nam được các tổ chức quốc tế có uy tín xếp vào “Danh sách các phụ nữ quyền lực nhất châu Á”. Thế nhưng, một trong những khó khăn, bất cập của doanh nghiệp khi sử dụng lao động nữ là chi phí của doanh nghiệp, chi phí về công tác an sinh, chăm sóc sức khỏe có thể lớn hơn so với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nam. Cùng với đó, các nữ doanh nhân thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình, bị hạn chế tham gia các cơ hội phát triển, các sự kiện kinh tế như thúc đẩy thương mại, liên kết thị trường... Điều này dẫn đến việc nữ doanh nghiệp thường thiếu thông tin, hạn chế hiệu quả hoạt động và đứng trước nhiều nguy cơ rủi ro kinh doanh.
Ảnh minh họa
Theo số liệu đưa ra tại Hội thảo tham vấn "Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nữ: Từ Tầm nhìn đến hiện thực" được tổ chức vào năm 2016, có 24,8% doanh nghiệp nói chung do phụ nữ quản lý. Riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có 25% doanh nghiệp do phụ nữ quản lý.
Rất nhiều nghiên cứu cho thấy mối quan hệ tích cực giữa việc phụ nữ tham gia vào các nhóm ra quyết định cao nhất với hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để chúng ta có thể đạt được sự bình đẳng giới thật sự tại nơi làm việc, đặc biệt là ở các vị trí quản lý cấp cao nhất.  
Với trường hợp của Việt Nam, dữ liệu của Dự án CEO nữ toàn cầu thuộc một tổ chức có trụ sở tại Pháp (Intelligence Financial Research and Consulting) công bố năm 2015 cho thấy, chỉ 7% các CEO của tổng số hơn 600 công ty được khảo sát là phụ nữ và 14% thành viên hội đồng quản trị là nữ giới.
Việc phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào thị trường lao động chính là động lực lớn nhất đối với sự phát triển và gia tăng năng lực cạnh tranh của toàn cầu. Chính vì thế, có thêm nhiều phụ nữ tạo lập và phát triển doanh nghiệp không chỉ quan trọng đối với bình đẳng giới mà còn có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển của quốc gia. Hỗ trợ phụ nữ để thăng tiến trong sự nghiệp không chỉ là câu chuyện bình đẳng giới mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp. Thúc đẩy sự đa dạng trong quản lý bằng việc có thêm nữ giới đảm nhận các vị trí cao nhất là chìa khóa để tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và nhờ vậy, nắm bắt được các lợi ích về kinh tế và xã hội khi đất nước đang hội nhập sâu rộng hơn.
Trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó, ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 939/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”. Đề án có mục tiêu nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh tế, cơ hội của phụ nữ tiếp cận việc làm có thu nhập cao và các nguồn lực kinh tế vẫn còn thấp hơn so với nam giới. Bản thân các nữ doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và thực thi các chính sách hỗ trợ. Việc thực thi những chính sách này gặp phải rất nhiều thách thức cũng như thiếu những văn bản hướng dẫn cần thiết.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam
Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng đã có rất nhiều hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, như hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp (Luật thuế TNDN sửa đổi 2013), hỗ trợ nhà nước về việc làm với người lao động (Luật Việc làm 2013), hỗ trợ trong đấu thầu (Luật Đấu thầu 2013)… Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa biết tới các quy định này. Bên cạnh đó, việc thực thi các chính sách với các doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Chính vì vậy mà hiệu quả của các chính sách Nhà nước dành cho các doanh nghiệp này chưa cao.
Việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, chú trọng đến nữ làm chủ doanh nghiệp đang là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Và việc phát triển bền vững gắn với giá trị bình đẳng đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình hướng tới mục tiêu vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, vừa gắn liền với sự phát triển và thịnh vượng của nền kinh tế nói chung.
Thực trạng đó đặt ra một yêu cầu cấp thiết phải tiến hành rà soát các văn bản pháp luật liên quan, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thảo luận để thu nhận ý kiến từ các chuyên gia, các doanh nhân nữ và các sở ban ngành liên quan để đưa ra những mong muốn, đề xuất, sửa đổi chính sách hiện hành cũng như bổ sung thêm những chính sách mới cho phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay của khu vực doanh nghiệp này.
Thực hiện và duy trì các giá trị bình đẳng giới ở nơi làm việc tác động trực tiếp và lâu dài vào chính sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, phải đặt nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong tổng thể công tác cán bộ. Trong từng cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị cần tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ nữ theo quan điểm phát triển, chú trọng yếu tố giới.
Cụ thể, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ của Chính phủ nên tập trung vào việc trợ giúp tài chính, mặt bằng sản xuất, cung ứng dịch vụ công, trợ giúp phát triển nguồn nhân lực… Các chính sách hỗ trợ cần được quy định cụ thể trong văn bản pháp luật và các địa phương nên lồng ghép bình đẳng giới khi xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để thực hiện các chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn.
Cùng với đó, cần có nhiều hơn nữa các chương trình hội thảo phổ biến, tuyên truyền về các chính sách một cách cụ thể. Đồng thời, cần phải tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho các doanh nhân nữ, nhất là chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Song song với đó, cũng cần phải nâng cao nhận thức của bản thân người phụ nữ về vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội.
Ngoài ra, bản thân các nữ doanh nhân cũng cần chủ động tham gia vào các hiệp hội, tiếp cận các mạng lưới, phương tiện thông tin đại chúng để cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.  Chính họ cần kết nối với các ngân hàng, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm... để tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế sẽ làm tăng tăng vị thế kinh tế và xã hội của phụ nữ. Kết quả của quá trình này giúp tăng chất lượng nguồn nhân lực và cuối cùng làm tăng tiềm năng tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Vì vậy, hỗ trợ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp chính là bước dần hiện thực hóa mục tiêu tăng tiềm năng tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội trong tương lai, thể hiện thể hiện được sự tiến bộ trong thúc đẩy bình đẳng giới, phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và khả năng hội nhập quốc tế trong xây dựng chính sách nói chung, chính sách bình đẳng giới nói riêng./.

Vũ Đậu